Theo Bộ Luật lao động 2019 (có hiệu lực vào 2021), nhiều điều khoản và quy định về lương thưởng của người lao động đã được thay đổi theo hướng vô cùng tích cực.
Người lao động được ủy quyền cho người khác nhận lương
Tại Điều 94 về nguyên tắc trả lương đã bổ sung quy định: "Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp".
Trước đó nội dung này không được quy định tại Bộ luật Lao động 2012. Việc cho phép người lao động ủy quyền cho người khác nhận lương được cho là hợp lý, nhất là trong trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn không thể trực tiếp nhận lương...
Cấm ép người lao động dùng lương để mua hàng hóa, dịch vụ của công ty
Đây cũng là một quy định mới được nêu tại Điều 94 của Bộ luật Lao động 2019. Theo đó:
- Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động;
- Không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
Bộ luật Lao động 2019 thay thế cho Bộ luật Lao động 2012 có nhiều quy định mới về lương - thưởng của người lao động được đề cập đến.
Khi trả lương phải gửi bảng kê cho người lao động
Bộ luật Lao động mới yêu cầu mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương người lao động, trong đó ghi rõ:
- Tiền lương;
- Tiền lương làm thêm giờ;
- Tiền lương làm việc vào ban đêm;
- Nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có)…
Quy định mới này nhằm đảm bảo tính minh bạch khi trả lương cho người lao động, nhưng đồng thời thêm một phần việc cho bộ phận Nhân sự - Kế toán của doanh nghiệp khi đến mỗi kỳ trả lương.
Cũng liên quan đến vấn đề trả lương, Bộ luật này cũng bổ sung quy định trường hợp người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam thì có thể trả lương bằng ngoại tệ.
Trả lương qua ngân hàng, công ty phải trả phí mở tài khoản
Nếu như trước đây, Bộ luật Lao động 2012 quy định khi trả lương qua tài khoản, người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về các loại phí liên quan đến việc mở và duy trì tài khoản (khoản 2 Điều 94).
Thì nay, tại khoản 2 Điều 96, Bộ luật mới bắt buộc người sử dụng lao động phải trả các phí liên quan đến mở và chuyển lương.
Có thể thưởng cho người lao động bằng hiện vật hoặc hình thức khác
Tại Điều 104, Bộ luật mới quy định về “Thưởng” thay vì “Tiền thưởng” như Bộ luật cũ.
Theo đó, thưởng có thể là tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Như vậy, Bộ luật mới đã mở rộng khái niệm “thưởng”, không chỉ bằng tiền mà bằng tài sản, hiện vật, các hình thức khác như chuyến du lịch, phiếu mua hàng… Điều này là phù hợp với thực tế tại các doanh nghiệp hiện nay.
Ngoài ra còn các quy định mới về lương sẽ được áp dụng từ năm 2021 như sau:A. Tiền lương quy định
Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 (Có hiệu lực từ 1/1/2021) quy định:1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.2. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
B. Mức lương tối thiểu
Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 (Có hiệu lực từ 1/1/2021) quy định:
1. Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội.
2. Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.
3. Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quyết định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.
C. Xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động
Điều 93 Bộ luật Lao động 2019 (Có hiệu lực từ 1/1/2021) quy định: Xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động
1. Người sử dụng lao động phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.
2. Mức lao động phải là mức trung bình bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời giờ làm việc bình thường và phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức.
3. Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động.
Thang lương, bảng lương và mức lao động phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện.
D. Nguyên tắc trả lương
Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 (Có hiệu lực từ 1/1/2021) quy định:
1. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
2. Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
Tú Mai