Lãnh đạo UBND TP HCM đề nghị TP Thủ Đức cần chọn ra 70-80% nội dung thẩm quyền của cấp tỉnh để đề xuất áp dụng làm cơ chế đặc thù phát triển.
"Phải xác định TP Thủ Đức là trung tâm động lực mới cho TP HCM và cả vùng nên cần đề xuất cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu đó. Cơ chế đặc thù và phải vượt trội, đủ sức thực hiện mục tiêu kể trên", Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi nói tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Thủ Đức lần thứ 7, chiều 16/4.
Đây là lần đầu tiên ông Mãi tham dự hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Thủ Đức. Trước đó, cố phó chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Hòa Bình được giao phụ trách địa bàn này. Sau khi ông Bình qua đời, Chủ tịch Phan Văn Mãi tiếp quản việc theo dõi, chỉ đạo TP Thủ Đức.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thu Hằng
Theo ông Mãi, Quốc hội cơ bản thống nhất cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức sẽ là một phần trong nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP HCM. Tuy nhiên, việc ban hành nghị quyết mới sẽ mất thời gian. Nếu Quốc hội thông qua cuối năm nay, phải giữa năm sau mới có thể áp dụng. Vì vậy, trong lúc chờ đợi, TP Thủ Đức cần rà soát và chủ động đề xuất cơ chế thí điểm thuộc thẩm quyền của TP HCM để phân quyền.
Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch TP HCM, Bí thư TP Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu cho biết thành phố đang nghiên cứu đề xuất có thẩm quyền tương đương cấp tỉnh. Nếu được Trung ương thông qua, bản thân cán bộ, hệ thống chính trị của TP Thủ Đức phải tự nâng tầm.
"Không phải trao quyền, ta lại sợ không làm, thoái thác trách nhiệm. Người ta cho phép, mình không làm thì sao phục vụ người dân", ông Hiếu nói và cho rằng đây đòi hỏi lớn, áp lực lớn nhưng phải thực hiện.
Trong tháng 4, TP Thủ Đức sẽ hoàn thành dự thảo cơ chế, chính sách đặc thù để trình UBND TP HCM và đề xuất lên Trung ương. Đây được xem là nghị quyết tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển thành phố phía Đông TP HCM.
TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 quận 2, 9 và Thủ Đức. Đồ hoạ: Thanh Huyền.
TP Thủ Đức được thành lập theo Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 31/12/2020 dựa trên sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức. TP Thủ Đức là mô hình "thành phố trong thành phố" đầu tiên trên cả nước. Tuy nhiên, hiện địa phương này chỉ có hành lang pháp lý tương đương cấp huyện.
Cuối năm 2021, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM ban hành Nghị quyết 08 về cơ chế phát triển TP Thủ Đức giai đoạn 2021-2025, trong đó trao quyền cho TP Thủ Đức thí điểm nhiều nội dung mới mà cấp quận huyện không có. Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh Nghị quyết 08 có vai trò như nghị quyết Đại hội Đảng bộ của TP Thủ Đức.
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho biết ngày 1/7 tới, TP HCM sẽ sơ kết một năm mô hình chính quyền đô thị. Vì vậy, ông giao Thủ Đức làm điểm sơ kết mô hình chính quyền đô thị sau một năm triển khai, nhận diện các vấn đề để tìm cách giải quyết.
"TP HCM, trong đó có TP Thủ Đức, chỉ một ngày chậm trễ sẽ ảnh hưởng rất nhiều công việc, nhiều người nên sơ kết một năm phải đầu tư, nhận diện vấn đề, tháo gỡ ngay", ông Mãi nói và đề nghị Thủ Đức hoàn thành hồ sơ quy hoạch chung trước 30/6, cố gắng quý 3 có thể phê duyệt.
Tại hội nghị Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết kinh tế quý 1 của thành phố phục hồi tốt. Tổng thu ngân sách trong quý 1 của TP Thủ Đức là 8.575 tỷ đồng, đạt gần 40% tổng dự toán (21.542 tỷ đồng), gấp hơn 2,7 so với cùng kỳ 2021 (3.102 tỷ đồng).
Tuy nhiên, hạn chế là tốc độ giải ngân vốn đầu tư công và bồi thường giải phóng mặt bằng chậm. Đến ngày 10/4, TP Thủ Đức mới giải ngân được hơn 58 tỷ đồng trên tổng số 903 vốn đầu tư công được giao. Nguyên nhân do địa phương này gặp khó khăn trong thu thập thông tin hợp đồng giao dịch làm cơ sở lập chứng thư định giá đất (hệ số điều chỉnh giá đất, giá tái định cư để trình thẩm định và phê duyệt).
Thu HằngTrở lại Thời sựTrở lại Thời sựChia sẻ ×
Nguồn vnexpress.net