GD&TĐ -Hàng nghìn công nhân Đức đã tiến hành đình công trên toàn quốc để đòi tăng lương.
Công nhân Đức xuống đường phản đối chính sách giảm lương của doanh nghiệp. |
Hôm 29/10, hàng nghìn công nhân thuộc liên minh trong ngành kỹ thuật điện và kim loại (IG Metall) đã tiến hành đình công trên toàn quốc tại Đức, làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng ở ngành công nghiệp hàng đầu châu Âu.
Các cuộc đình công của công nhân trong liên minh có số lượng lên tới 4 triệu người đã ảnh hưởng đến các công ty Porsche, BMW và Mercedes.
Cũng trong tuần này, hãng xe khổng lồ Volkswagen cũng có thể sẽ công bố kế hoạch đóng cửa ba nhà máy trong nước lần đầu tiên trong lịch sử 87 năm của mình. Họ cũng sa thải hàng loạt và cắt giảm 10% lương đối với những công nhân vẫn giữ được việc làm.
Cuộc đình công được tổ chức bởi công đoàn IG Metall hùng mạnh càng thu hút sự quan tâm đặc biệt. Họ cũng đã tổ chức một cuộc bãi công trong ca làm việc đêm tại nhà máy của Volkswagen ở thành phố Osnabrueck, nơi công nhân lo ngại nhà máy có thể phải đóng cửa.
Theo người phát ngôn của IG Metall, có khoảng 71.000 công nhân tham gia cuộc đình công hôm thứ Ba, ảnh hưởng đến khoảng 370 công ty trên khắp nước Đức.
IG Metall đang yêu cầu tăng lương 7% so với mức tăng 3,6% trong vòng 27 tháng mà các hiệp hội người sử dụng lao động đưa ra. Các công ty cho biết những yêu cầu này là không thực tế.
Theo một tuyên bố, tại nhà máy Porsche AG Zuffenhausen ở Stuttgart, 500 nhân viên đã đình công trong ca làm việc đêm và sau đó khoảng 4.000 nhân viên đã đình công vào ca làm việc sớm để tham gia biểu tình.
Tại thành phố Ingolstadt của Bavaria, công nhân đã diễu hành theo tiếng nhạc sôi động, thổi còi và vẫy cờ tại một nhà máy của Audi, một bộ phận của tập đoàn Volkswagen.
"Có một áp lực rất lớn trong cuộc đình công. Nhân viên của chúng tôi, hội đồng công nhân, IG Metall đang cùng nhau tìm kiếm các giải pháp thay thế cho việc cắt giảm việc làm và đóng cửa nhà máy", Giám đốc IG Metall Christiane Benner nói với Reuters tại cuộc đình công.
"Chúng tôi sẽ cố gắng phát triển các khái niệm thông minh. Và chúng tôi không chấp nhận việc nhân viên của mình phải trả giá cho những sai sót trong quản lý."
Những người biểu tình giơ cao biểu ngữ trong cuộc biểu tình của nhân viên hãng sản xuất ô tô Đức Mercedes đòi tăng lương.
Triển vọng kinh doanh ngày càng xấu đi tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã gây thêm áp lực lên chính phủ liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz, vốn có thể đang bên bờ vực sụp đổ trước cuộc bầu cử liên bang vào năm tới khi các vết nứt chính sách ngày càng lan rộng, Reuters bình luận.
Đức sẽ trải qua những năm suy thoái tiếp theo
Cùng ngày 29/10, Thủ tướng Đức đã tổ chức một cuộc họp với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, bao gồm cả ông chủ Volkswagen Oliver Blume, để thảo luận về các chiến lược củng cố ngành công nghiệp đất nước.
Người phát ngôn của chính phủ Steffen Hebestreit cho biết, cuộc họp kín kéo dài 3 giờ tại Berlin nhằm mục đích tìm hiểu các biện pháp chính sách thúc đẩy tăng trưởng, bảo vệ việc làm trong ngành công nghiệp và củng cố vị thế của Đức như một trung tâm công nghiệp toàn cầu.
Ông Hebestreit cho biết thêm, các cuộc đàm phán đánh dấu sự khởi đầu của một sáng kiến rộng lớn hơn do chính phủ Đức khởi xướng, với các cuộc thảo luận tiếp theo được lên kế hoạch diễn ra vào ngày 15 tháng 11.
Một nhóm doanh nghiệp hàng đầu cho biết một cuộc khảo sát các công ty chỉ ra rằng Đức sẽ trải qua một năm suy thoái kinh tế nữa vào năm 2024 và không có triển vọng tăng trưởng vào năm tới.
Martin Wansleben, giám đốc điều hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) đã tiến hành cuộc khảo sát, cho biết: "Chúng ta không chỉ đang giải quyết một cuộc khủng hoảng theo chu kỳ mà còn là một cuộc khủng hoảng cơ cấu dai dẳng ở Đức".
"Chúng tôi rất quan ngại về việc nước Đức đang trở thành gánh nặng kinh tế cho châu Âu và không còn có thể hoàn thành vai trò là nền kinh tế chủ lực nữa", ông nói.
Một cuộc khảo sát riêng của hiệp hội ngành công nghiệp ô tô VDA cho thấy sự chuyển đổi của ngành công nghiệp ô tô Đức có thể dẫn đến mất 186.000 việc làm vào năm 2035, trong đó gần một phần tư đã xảy ra.
"Châu Âu - đặc biệt là Đức - đang ngày càng mất đi sức cạnh tranh quốc tế" - báo cáo của VDA cho biết. Báo cáo này cũng cho thấy các công ty Đức phải trả tiền điện cao gấp ba lần so với các đối thủ cạnh tranh ở Mỹ hoặc Trung Quốc, trong khi phải đối mặt với mức thuế cao hơn và gánh nặng hành chính ngày càng tăng.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tham dự Hội nghị thượng đỉnh Startup Germany, tại Berlin, Đức, ngày 17 tháng 9 năm 2024.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã cùng với những người kêu gọi cải cách ở Đức, đề xuất chính phủ hủy bỏ mức trần vay được ghi trong hiến pháp, được gọi là phanh nợ, để có thể thúc đẩy đầu tư.
Trong khi Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner ủng hộ chiến lược giảm nợ, ông lại bất đồng quan điểm với Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck, người đã kêu gọi thành lập một quỹ trị giá hàng tỷ euro để kích thích tăng trưởng.
"Cuộc tranh luận về chính sách kinh tế đã đến đúng nơi cần đến: ngay đầu chương trình nghị sự. Chúng ta không còn thời gian để mất nữa" - Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner tuyên bố.
Các cuộc họp với Bộ trưởng Tài chính và Thủ tướng Đức đã thúc đẩy các công ty và hiệp hội ngành công nghiệp lên tiếng phàn nàn.
Nhóm vận động hành lang hóa chất VCI than thở về "điều kiện khuôn khổ kém" và chi phí năng lượng cao mà các thành viên của mình phải đối mặt. Họ kêu gọi Thủ tướng Scholz đưa ra "những quyết định mang tính đột phá" để giải phóng khả năng cạnh tranh.
Reinhold von Eben-Worlee đại diện của Hiệp hội các công ty gia đình, đã so sánh hoàn cảnh khó khăn của các công ty Mittelstand của Đức với một vận động viên chạy marathon mang trên mình chiếc ba lô nặng trĩu thuế cao, đóng bảo hiểm xã hội và thủ tục hành chính.
Tin liên quan 'Cơn ác mộng công nghiệp' của châu Âu đang dần trở thành hiện thực Cơn bão suy thoái của ông lớn châu Âu chưa dừng lại Cú sốc kinh tế châu Âu
Nguồn giaoducthoidai.vn