Bệnh lý gan nhiễm mỡ cũng được ghi nhận ở trẻ em - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - trưởng khoa tiêu hóaBệnh viện Trung ương Quân đội 108, mọi người cần hiểu rằng gan nhiễm mỡ có hai loại: gan nhiễm mỡ do rượu, gan nhiễm mỡ không do rượu, mà do tích tụ cholesterol và triglyceride trong gan quá mức (khoảng 30% dân số mắc).
Như vậy, người bị tăng mỡ máu có thể là bệnh nền gây gan nhiễm mỡ. Tuy nhiên, nếu xét nghiệm men gan (AST, ALT) không tăng thì bạn đang bị gan nhiễm mỡ thể nhiễm mỡ gan - thể này lành tính và ít dẫn đến bệnh gan nặng hay xơ gan.
Đặc điểm chung hai bệnh gan nhiễm mỡ và máu nhiễm mỡ đều diễn tiến âm thầm, là bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa.
Khi mỡ trong máu tăng cao chúng sẽ chuyển về gan, lúc này nếu như gan không đào thải hết được thì chúng sẽ tích tụ thành các bọng mỡ tại gan.
Chính vì thế, phòng ngừa, điều trị gan nhiễm mỡ cũng chính là cách phòng và trị máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ và máu nhiễm mỡ có quan hệ với nhau, cơ chế gây bệnh, điều trị cũng giống nhau. Loại này cao có thể là nguyên nhân gây ra loại kia và ngược lại.
Máu nhiễm mỡ kéo dài sẽ tạo thành mảng xơ vữa động mạch, làm tắc nghẽn hoặc vỡ mạch máu trong cơ thể. Nếu tắc mạch não gây nhồi máu não, tắc mạch ở tim gây nhồi máu cơ tim, tắc mạch chi là tắc mạch tay chân. Ngoài ra, mỡ máu cao có thể dẫn tới các bệnh lý: cao huyết áp, viêm tụy, tiểu đường type 2…
"Người gầy (ốm) không sử dụng rượu, bia nhưng vẫn bị gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ cũng bởi cơ chế nêu trên. Nguyên nhân gây tăng mỡ máu và gan nhiễm mỡ không chỉ liên quan đến người gầy (ốm) hay béo phì…, chúng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố sinh hoạt hằng ngày, như:
Chế độ ăn uống, đặc biệt là người ăn nhiều chất béo bão hòa từ động vật, nhiều đường, ít ăn rau xanh, thường xuyên không tập thể dục hay vận động đều đặn, hoặc do bệnh lý cũng có thể gây rối loạn lipid máu và gan nhiễm mỡ như: đái tháo đường, suy giáp, di truyền…" - PGS Tuấn nhấn mạnh
Do vậy, quan niệm người mập, người uống rượu, bia mới bị máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ là quan niệm sai lầm. Người gầy (ốm) nhưng chế độ ăn không hợp lý, lười vận động vẫn rất dễ bị bệnh này.
Các chuyên gia tiêu hóa cũng cho biết máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ không gây tử vong ngay trong thời gian ngắn, tuy nhiên những biến chứng của nó cũng nguy hiểm không kém bất cứ căn bệnh chết người nào.
Nếu không điều trị, về lâu dài sẽ có thể dẫn đến nhiều biến chứng như bị mỡ đóng vào trong mạch máu, tạo thành một mảng xơ vữa gây tắc mạch hoặc làm vỡ mạch máu gây đủ thứ bệnh chết người:nhồi máu cơ tim, đột quỵ, hoại tử ruột, viêm tụy, tiểu đường, sa sút trí tuệ, tắc mạch chi, bệnh gan…
Để phòng bệnh, cần có chế độ ăn có nhiều chất xơ, rau, hoa quả là rất tốt cho việc phòng ngừa và điều trị được căn bệnh này.
Đặc biệt, người bệnh cần thay đổi trong nếp sống lẫn sinh hoạt. Không nên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia hay thuốc lá, nên chú trọng tăng cường các hoạt động thể dục nhẹ nhàng như: đi bộ, bơi lội, hít xà đơn, thiền…
Nguồn tuoitre.vn