Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới tiếp tục gây mưa lớn ở nhiều vùng trên cả nước. Trong đó, hôm nay và ngày mai (27-28/9), khu vực từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150-250mm, có nơi trên 300mm.
Khu vực đồng bằng Bắc Bộ, tỉnh Hòa Bình, Quảng Bình hôm nay có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 60-120mm, có nơi trên 150mm. Nam Bộ trong chiều tối và đêm nay có mưa vừa, cục bộ xuất hiện mưa to với lượng mưa từ 30-70mm, có nơi trên 100mm.
Ngoài ra, hôm nay, các nơi khác ở Bắc Bộ, khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi cũng có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 50mm. Khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa rào và dông vào chiều và tối, cục bộ có mưa to với lượng mưa 15-30mm, có nơi trên 60mm.
Ông Nguyễn Văn Bằng chủ động kê cao tài sản trước mùa mưa lụt.
Cơ quan khí tượng khuyến cáo, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh, riêng tại Nam Bộ, mưa lớn kết hợp với triều cường có khả năng gây ngập úng tại vùng trũng, thấp, vùng ven sông và vùng ngoài đê bao trong chiều và tối nay, tăng nguy cơ xâm nhập mặn trên các sông.
Trên các sông tại Nghệ An đến Hà Tĩnh, hôm nay và ngày mai có khả năng xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên tại thượng lưu các sông từ 2- 4m, tại hạ lưu từ 1,5-3m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ thượng nguồn sông Cả (Nghệ An), sông La (Hà Tĩnh) ở mức BĐ1 và trên BĐ1, hạ lưu dưới BĐ1. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình.
Nhiều nơi chia cắt vì mưa lũ
Do ảnh của áp thấp nhiệt đới, những ngày qua trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa tính từ 1h ngày 25/9 đến 1h ngày 26/9 phổ biến 50 - 99mm. Riêng khu vực Hương Khê, Can Lộc, Hồng Lĩnh, Thạch Hà có mưa rất to và lượng mưa phổ biến: 120 - 250mm, đặc biệt tại trạm Hương Trạch (Hương Khê) quan trắc được lượng mưa 330mm. Mưa lớn đã khiến nhiều tuyến đường liên thôn, xã tại huyện miền núi Hương Khê bị ngập cục bộ. Ngoài ra một số cây cầu cũng đã bị ngập, chia cắt như tại xã Hương Đô, Phúc Trạch, Hương Liên, Hương Lâm… Do đường bị ngập, nhiều nơi bị chia cắt, để đảm bảo an toàn cho học sinh, một số trường tại huyện Hương Khê đã chủ động cho học sinh nghỉ học.
Nhiều tuyến đường tại Hà Tĩnh bị sạt lở, ngập úng do mưa lũ.
Bà Cao Thị Như Vân - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phúc Trạch cho hay, sáng nay do mưa lớn đã khiến nhiều tuyến đường bị ngập. Vì có hơn nửa học sinh trường bị cô lập đường đến trường nên nhà trường đã thông báo cho toàn bộ học sinh nghỉ học.
“Trường có hơn 550 học sinh, trong khi đó hơn nửa học sinh do ảnh hưởng mưa lớn, đường ngập không thể đi học. Vì thế để đảm bảo cho các em, trường đã thông báo cho toàn bộ học sinh nghỉ học”, lãnh đạo Trường THCS Phúc Trạch cho hay. Đại diện Phòng GD&ĐT Hương Khê cũng cho biết tại huyện có hơn 4.300 em học sinh phải nghỉ học.
“Một số tuyến đường tại xã Hương Lâm, Hương Giang, Hương Đô đã bị ngập úng, có nơi chia cắt nên học sinh không thể di chuyển đến trường được”, đại diện Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê nói. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã ra công điện yêu cầu các địa phương phải tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
Dân vùng “rốn lũ” sẵn sàng “4 tại chỗ”
Tổ dân cư Hoà Lam, xóm Thuận Hoà, xã Hưng Hoà, TP Vinh, Nghệ An nằm biệt lập phía ngoài đê, tiếp giáp với sông Lam. Mỗi mùa mưa bão, nơi đây đều bị ngập lụt. “Một năm, xóm bị ngập vài ba lần, có khi ngập sâu từ 1-1,5m. Mùa mưa bão đang cận kề, những vật dụng dễ bị hư hỏng nếu ngập nước như ti vi, tủ lạnh, máy giặt được kê cao. Đối với lương thực, quần áo, chăn màn, quạt... tôi để lên gác xép”, ông Nguyễn Văn Bằng (55 tuổi, trú xóm Thuận Hòa) chia sẻ. Dự kiến mùa mưa bão năm nay sẽ khó lường, do đó, chính quyền và người dân xã Hưng Hòa đã sẵn sàng các phương án “4 tại chỗ” gồm: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ.
Thời điểm này, người dân các xã Hưng Lợi, Châu Nhân,… thuộc huyện Hưng Nguyên, Nghệ An cũng đang tất bật kê cao tài sản, lương thực đề phòng mưa lụt.
Sạt lở nhiều nơi ở vùng núi Quảng Bình
Theo thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) tỉnh Quảng Bình, trong đêm 25/9 nước lũ đã dâng cao ở nhiều nơi ở 2 huyện miền núi Minh Hoá và Tuyên Hoá, nhiều tuyến đường bị ách tắc, nhiều địa phương bị cô lập, trong đó có một số khu dân cư, trường học đã bị ngập nước. Cũng trong đêm, QL12A đoạn qua bản Y Leng, xã Dân Hoá đã bị sạt lở núi, khoảng 50m3 đất đá đổ sập xuống mặt đường khiến giao thông bị ách tắc.
Lũ lụt gây chia cắt nhiều địa bàn ở vùng núi Quảng Bình
Tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh có nhiều bản làng đã bị nước lũ chia cắt hoàn toàn. Trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn qua xã này cũng bị sạt lở. Nhiều khối đá lớn từ trên cao rơi xuống đường chắn hết lối đi của xe ô tô.
Đến chiều 26/9, Sở Giao thông vận tải Quảng Bình cho biết, nhờ chuẩn bị các phương án ứng phó với lũ lụt từ trước, nên các điểm sạt lở đã được khắc phục; các tuyến giao thông bị ngập lụt có biển báo và có người hướng dẫn giao thông, nhằm tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Thanh Thanh