Gần hai năm từ khi dịch xuất hiện, Chúc chuyển qua bưng bê, phụ hồ, trộn bê tông kiếm 200.000 đồng mỗi ngày, thay vì dẫn tour du lịch.
Huỳnh Thanh Chúc 29 tuổi, từng là hướng dẫn viên du lịch tự do ở TP HCM, chuyên nhận các tour ngắn ngày cho một số công ty lữ hành. Nhưng rồi khi thành phố bùng dịch hồi tháng 5, những công việc có thể kiếm 200.000 đồng mỗi ngày vơi dần. Chúc khăn gói về quê nhà Bình Thuận. Nếu bám trụ thành phố, anh không trả nổi tiền trọ 1,5 triệu đồng mỗi tháng, chưa tính ăn uống, đi lại.
Năm 2020, du lịch Việt Nam thất thu 23 tỷ USD khi khách quốc tế giảm 80% và nội địa 50%. Riêng doanh thu du lịch lữ hành giảm gần 60% so với năm trước đó. Ba tháng đầu năm nay, lượng khách du lịch nội địa đạt 16,5 triệu lượt. Thị trường du lịch vừa kịp gượng dậy thì làn sóng dịch thứ tư ập đến.
Chúc những ngày ở quê nhà phụ mẹ đan lưới, lánh dịch. Ảnh: An Phương
Hai tuần trước, bạn bè trên nhóm nhắn Chúc mau mau lên tivi xem thông báo có gói hỗ trợ của nhà nước. Hướng dẫn viên du lịch có thể được lãnh 3,71 triệu đồng. Chúc vội tìm hiểu hồ sơ, thủ tục. Cậu còn tính nếu nhận được tiền sẽ trích một phần cho ba mẹ, còn lại sắm một dàn lưới nhỏ để đi đánh cá, chờ hết dịch vô lại Sài Gòn bám nghề.
Đọc đến điều kiện có hợp đồng lao động tính đến ngày 1/1/2020 hoặc có thẻ hội viên tổ chức xã hội - nghề nghiệp về du lịch, Chúc lắc đầu, nói mình "trượt từ vòng gửi xe". Hướng dẫn viên tự do như Chúc không thể nào đáp ứng được những yêu cầu này. Cậu có thẻ hành nghề hướng dẫn viên thời hạn đến tận tháng 6/2023 và hàng chục hợp đồng ký với các công ty lữ hành. Nhưng tất cả đều là loại ngắn hạn, theo tour.
Chúc giải thích, các công ty nhỏ hầu như không tuyển chính thức mà sử dụng hướng dẫn viên tự do, trả lương căn bản khi hết mùa. Thực tế chỉ các doanh nghiệp lữ hành lớn mới tuyển hướng dẫn viên cố định, ký hợp đồng lao động dài hạn, nhưng số lượng hạn chế.
Hội An cuối tháng 3/2021, chủ yếu đón khách du lịch nội địa trở lại, một tháng trước thời điểm đợt dịch mới bùng phát. Ảnh: Đắc Thành
Theo quy định của gói 26.000 tỷ đồngg, để nhận 3,71 triệu đồng hỗ trợ, hướng dẫn viên phải đáp ứng hai điều kiện khi làm hồ sơ: có thẻ hành nghề còn hạn và hợp đồng lao động với doanh nghiệp lữ hành, hoặc thẻ hội viên tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch. Ngành du lịch các địa phương cho rằng việc có thẻ thì khả thi, bởi cơ quan quản lý du lịch cấp 5 năm đổi một lần. Hai quy định sau trở thành rào cản với cả hướng dẫn viên có hợp đồng lẫn tự do.
Báo cáo thường niên du lịch 2019 - thời điểm trước khi đại dịch xuất hiện của Tổng cục Du lịch, cả nước gần 27.700 hướng dẫn viên. Tại TP HCM có hơn 6.100 hướng dẫn viên được cấp thẻ (nội địa gần 2.400 người, quốc tế hơn 3.700 người). Song hướng dẫn viên có hợp đồng lao động chính thức chỉ khoảng 1.000 người, chiếm 20%, theo thống kê của Sở Du lịch TP HCM. Số còn lại, theo thuật ngữ của ngành du lịch là hướng dẫn viên tự do. Họ chỉ ký hợp đồng theo tour, thời vụ, cộng tác viên, hợp đồng vụ việc... với các doanh nghiệp du lịch.
TP HCM hiện chỉ còn một nửa số doanh nghiệp lữ hành đang hoạt động, 90% trong đó là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Từ đầu năm 2020 đến trước thời điểm thành phố giãn cách xã hội hôm 31/5, đã có 171 doanh nghiệp rút giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành. "Rất khó để các hướng dẫn viên nhận được sự hỗ trợ từ công ty lữ hành cũ về việc truy xuất lại hợp đồng lao động đã ký kết", đại diện Sở Du lịch TP HCM nói.
Trung tâm thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc) không một bóng người khi đợt dịch đầu tiên bùng phát, tháng 3/2020. Ảnh: Ngọc Thành
Chung quan điểm, lãnh đạo một doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội cho rằng quy định vướng nhất là hợp đồng vì hầu như chỉ có loại ngắn hạn. Không có khách du lịch thì cũng coi như hợp đồng hết hạn. Gần hai năm với bốn làn sóng dịch, khách sạn, lữ hành, nhà hàng thuộc nhóm bị ảnh hưởng đầu tiên và phục hồi kinh doanh sau cùng. Các doanh nghiệp lữ hành hầu hết đã "ngủ đông" và phần lớn hướng dẫn viên du lịch chuyển nghề. Điều kiện hợp đồng có hiệu lực từ 1/1/2020 khó khả thi và nếu áp dụng thì số được hưởng là rất ít. Nếu hướng dẫn viên chính thức làm tại các doanh nghiệp, họ lại được xếp vào nhóm người lao động trong doanh nghiệp bị mất việc, ngừng việc do dịch.
Với điều kiện thẻ hội viên tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch, cả nước có 28 chi hội thuộc Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam tại các tỉnh thành, còn lại không có. Việc vào hội trước đến nay cũng không bắt buộc. Vị này nhắc, đến chi hội Hướng dẫn viên du lịch TP HCM cũng chỉ có 850 hội viên. Vậy nếu như vừa không có hợp đồng lao động vừa không có thẻ hội viên thì coi như loại.
"Có hợp đồng lao động" cũng khiến nhiều đơn vị quản lý du lịch tỉnh thành lúng túng khi triển khai gói trợ cấp. Trong văn bản gửi Tổng cục Du lịch đề nghị hướng dẫn thêm, Sở Du lịch Quảng Ninh thắc mắc, các hợp đồng theo mùa vụ hoặc hợp đồng chuyến, dưới 12 tháng có được hỗ trợ hay không?
Đại diện Sở Du lịch TP HCM cho biết đơn vị này đã có văn bản kiến nghị đến bộ chủ quản đề xuất Chính phủ đơn giản hóa thủ tục. Sở đề xuất điều kiện hướng dẫn viên được hỗ trợ là có thẻ theo quy định; chấp nhận các hình thức hợp đồng ngắn hạn theo tour, thời vụ... có nội dung thể hiện việc làm có trả công, tiền lương liên quan đến hoạt động hướng dẫn du lịch và có sự quản lý, điều hành, giám sát của doanh nghiệp lữ hành đúng theo quy định của pháp luật.
Trong khi chờ các cấp có thẩm quyền gỡ nút thắt, Chúc ngày vẫn phụ mẹ đan lưới, sáng dậy sớm xuống thuyền dỡ cá cho ba, đem chợ bán kiếm mấy chục nghìn đồng. "Nhưng điều mình mong chờ hơn, là Sài Gòn sớm hết dịch để còn quay lại kiếm cơm", cậu nói.
Lê Tuyết - Hồng ChiêuTrở lại Thời sựTrở lại Thời sựChia sẻ ×
Nguồn vnexpress.net