Về quê lập nghiệp, anh Vũ Quang Chính chọn loài vật này để “kết duyên” và đã gặt hái thành công với thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm.
Vũ Quang Chính (ở xã Lộc Châu, Tp.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) là con út trong một gia đình thuần nông với 6 anh chị em. Gia đình Chính thuộc diện khá giả tại địa phương. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Y dược Tp.Hồ Chí Minh, Chính ở lại thành phố và được nhận vào làm tại một công ty dược với mức lương khoảng 40 triệu đồng/tháng.
Đây là mức lương nhiều người ao ước, thế nhưng năm 2019 Chính đã đưa ra một quyết định mang tính bước ngoặt mà nhiều người cho là anh… "bị khùng". Bởi khi đó, Chính xin nghỉ việc về quê, đem ý tưởng mở trang trại nuôi thỏ mà mình đã nghiên cứu và lên kế hoạch từ lâu ngỏ ý với bố.
“Khi em đem chuyện mở trang trại nuôi thỏ kể với bố chưa dứt lời thì bị ngay “một gáo nước lạnh”. Bố em bảo, “bố đầu tư tiền của cho ăn học, mong con có việc làm ổn định ở thành phố. Giờ công việc, thu nhập đang ổn định ai lại về quê nuôi thỏ. Đất đai, vườn tược cứ để bố mẹ lo, không làm được thì thuê người. Bố mẹ khuyên con dừng ngay ý tưởng điên rồ này lại””, chàng trai 9X nhớ lại.
Mặc cho mọi người can ngăn, Chính vẫn quyết tâm đầu tư 100 triệu đồng dành dụm được xây dựng chuồng trại và mua 50 cặp thỏ Newzealand về nuôi thử nghiệm để gây dựng niềm tin với bố mẹ. “Khi đó, mình không có vốn, nên phải xây dựng niềm tin để được bố mẹ hỗ trợ. Đây là niềm đam mê và cũng là tâm huyết của em”, Chính tâm sự.
Chàng trai 9X chăm sóc đàn thỏ Newzealand hàng ngàn con của mình. Ảnh: Dân Việt.
Tâm huyết, niềm tin và đam mê của Chính được đền đáp từ 50 cặp thỏ trắng Newzealand nuôi thử nghiệm sạch bệnh, lớn nhanh đúng như kỳ vọng. Cũng từ đây, Chính được gia đình tin tưởng ủng hộ, đầu tư vốn xây dựng trang trại mở rộng quy mô chăn nuôi để anh “kết duyên” với giống thỏ trắng Newzealand.
Chính quan niệm, để thành công thì bất cứ làm nghề gì đều cần phải có chữ “tín”. Đối với các sản phẩm chăn nuôi tác động trực tiếp tới sức khỏe con người thì chữ “tín” đặc biệt quan trọng. Muốn vậy, tự bản thân mình phải tạo ra được sản phẩm thỏ sạch đảm bảo chất lượng an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng.
Từ đây, anh bắt tay vào đầu tư xây dựng trang trại nuôi thỏ gần 400 m2, với quy mô từ 2.500 - 3.000 con/lứa. Hệ thống trại chăn nuôi này được Chính đầu tư hoàn toàn tự động bằng công nghệ hiện đại từ khâu chăm sóc, đến hệ thống khử trùng phòng bệnh. Đặc biệt, để đảm bảo vệ sinh chuồng trại, chàng trai trẻ sử dụng đệm lót sinh học xử lý chất thải. Ngoài ra, trang trại còn được đầu tư hệ thống loa cho thỏ nghe nhạc 24/24 giờ.
Chính dành hết tâm huyết để “kết duyên” với giống thỏ trắng Newzealand. Ảnh: Báo Lâm Đồng
“Hiện tại, thỏ đã có vắc-xin phòng bệnh, nên người chăn nuôi phần nào đỡ lo về các bệnh truyền nhiễm khiến đàn thỏ bị chết hàng loạt như trước đây. Tuy nhiên, để đàn thỏ phát triển đồng đều, khỏe mạnh thì khâu chọn giống vô cùng quan trọng. Cần lựa chọn mua thỏ giống tại những nơi có đủ uy tín, để tránh mua phải con giống trùng huyết. Đặc biệt, người chăn nuôi phải chủ động được nguồn thức ăn sạch cho thỏ. Ngoài việc lựa chọn thương hiệu cám chất lượng, thì nguồn cỏ vẫn là thức ăn chính chiếm hơn 60% khẩu phần ăn của thỏ. Với quy mô nuôi từ 2.500 - 3.000 con, em phải trồng 2 ha cỏ sả để chủ động nguồn thức ăn cho thỏ”, Chính chia sẻ.
Đồi cỏ sả của Chính không chỉ tạo nên cảnh quan xanh, thơ mộng cho trang trại mà còn cung cấp tới 60% nguồn thức ăn cho thỏ Newzealand. Ảnh: Dân Việt.
Phương châm chăn nuôi mà Chính tự đặt ra cho mình và cam kết thực hiện với các đầu mối tiêu thụ là “1 đền 100” nếu phát hiện thịt thỏ có thuốc kích thích, tăng trọng. Nhờ vậy, sản phẩm thỏ thịt của Chính được các khách hàng tại Tp.Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai tin tưởng ký hợp đồng đặt mua thường xuyên để cung cấp cho chuỗi nhà hàng, khách sạn.
Với trang trại thỏ, chàng trai Vũ Quang Chính có thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: Dân Việt.
Khi ổn định được đầu ra, Chính hạch toán một cách dễ hiểu để phát triển: Một con thỏ mẹ đẻ 5 - 7 lứa/năm, mỗi lứa 5 - 10 con. Sau 3,5 tháng tuổi nặng khoảng 2,5 - 3 kg và có thể giết thịt. Với giá thỏ từ 80 - 120.000 đồng/kg, mỗi năm, trừ chi phí một thỏ mẹ có thể mang về lợi nhuận cho người nuôi từ 1,2 - 1,5 triệu đồng. Tính ra, hơn 1.000 con thỏ mẹ mang lại cho Chính lợi nhuận từ 1 - 1,2 tỷ đồng/năm.
Không dừng lại ở đó, chàng trai bản lĩnh tiếp tục xây dựng chuồng trại và đầu tư hơn 500 triệu đồng mua 21 con dê Boer (20 con cái và 1 con đực giống) về nuôi. Đây là giống dê siêu thịt, dê trưởng thành có thể đạt trọng lượng từ 80 - 110 kg/con. Cùng với đó, Chính xây dựng chuồng trại nuôi heo rừng với quy mô từ 100 - 150 con. Nói về chuyện đầu ra, Chính từng khẳng định: “Em đã có định hướng thì mới dám làm. Đối với thỏ, mỗi tháng, khách hàng đang cần hơn 1,5 tấn thỏ thịt, nhưng em chỉ mới cung cấp được 700 kg. Các chuỗi nhà hàng, khách sạn sang trọng tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vũng Tàu và Đồng Nai đang hối em cung cấp sản phẩm thịt dê và heo rừng lai. Nhưng phương châm của em tất cả các sản phẩm mình cung ứng cho họ phải có nguồn gốc, nên mình phải tự nuôi để đảm bảo chất lượng tốt nhất. Vì vậy, chuyện đầu ra sản phẩm không phải là vấn đề đáng ngại đối với em. Quan trọng là mình phải có được sản phẩm sạch để đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng”.
Được biết, mô hình nuôi thỏ Newzealand của Vũ Quang Chính được chính quyền địa phương đánh giá rất cao và khuyến khích nhân rộng.
Minh Hoa (t/h theo Dân Việt, báo Lâm Đồng)
Nguồn www.nguoiduatin.vn