Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Phnom Penh (Campuchia) ngày 12-11 - Ảnh: REUTERS
Tổng thống Joe Biden đang có mặt tại Campuchia dự chuỗi hội nghị cấp cao quan trọng với các nước Đông Nam Á và đối tác. Sau đó ông sẽ tới đảo Bali của Indonesia để dự Hội nghị Thượng đỉnh G20. Trước đó Washington đã xác nhận ông Biden sẽ gặp ông Tập Cận Bình tại Bali.
Trên chuyên cơ ngày 12-11, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đã thông tin về một số nội dung sắp tới trong chuyến đi của ông Biden.
Theo đó, ông Sullivan cho hay ông Biden sẽ nói với ông Tập rằng nếu Triều Tiên tiếp tục hành động như hiện nay, Mỹ sẽ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.
"Nếu Triều Tiên vẫn đi theo lộ trình này, điều đó hoàn toàn đồng nghĩa với việc thúc đẩy sự hiện diện của quân sự và an ninh Mỹ trong khu vực", ông Sullivan nói.
Thời gian qua tình hình Triều Tiên nóng lên với việc Mỹ - Hàn tập trận chung và Triều Tiên phóng hàng loạt tên lửa. Phía Mỹ và các đồng minh lo ngại nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có khả năng tiến hành vụ thử vũ khí hạt nhân.
Trung Quốc được xem là đồng minh lớn nhất của Triều Tiên. Mỹ luôn đòi hỏi Trung Quốc (và Nga) bày tỏ lập trường cứng rắn với Triều Tiên, và cụ thể là không bỏ phiếu chống đối với các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc.
Năm 2017, Trung Quốc và Nga ủng hộ lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc sau khi Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên vào tháng 5 năm nay, hai nước này bỏ phiếu chống đối một đề xuất do Mỹ dẫn đầu nhằm tăng cường trừng phạt Triều Tiên vì các đợt phóng tên lửa đạn đạo.
Ông Sullivan nói thêm: "Do đó, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa có lợi ích khi thể hiện vai trò mang tính xây dựng trong việc kiềm chế xu hướng tồi tệ của tình hình Triều Tiên. Việc họ làm điều đó hay không thì tất nhiên là quyền của họ".
Tại Campuchia, ông Biden sẽ gặp gỡ lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản. Họ sẽ thảo luận về việc tăng cường hợp tác an ninh liên quan tới vấn đề Triều Tiên.
Cuộc gặp gỡ dự kiến tại Bali (Indonesia) giữa ông Biden và ông Tập thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận quốc tế, đặc biệt khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang trên nhiều phương diện.
Chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan vài tháng trước đã khiến Trung Quốc phản ứng giận dữ, đẩy nguy cơ đụng độ quân sự lên cao. Liên lạc giữa Mỹ và Trung Quốc cũng bị cắt ở nhiều lĩnh vực.
Trung Quốc xem Đài Loan là một tỉnh thuộc Trung Quốc và không chấp nhận các chuyến thăm có tính chất ngoại giao quan trọng như trên.
Theo ông Sullivan, ông Biden hy vọng lần gặp trực tiếp trên cương vị tổng thống Mỹ đầu tiên giữa ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ giúp "phá băng" mối quan hệ, dẫn tới nhiều cuộc gặp gỡ cũng như tương tác tốt hơn giữa hai chính phủ.
Trong diễn biến liên quan, Nhà Trắng cũng xác nhận ông Biden không có kế hoạch gặp gỡ Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tại G20.
Đây cũng là thông tin đáng chú ý khi mối quan hệ Mỹ - Saudi Arabia gặp vấn đề, xoay quanh quyết định cắt giảm sản lượng dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa và đối tác (OPEC+). Saudi Arabia được cho là lãnh đạo trên thực tế, có tiếng nói quyết định trong OPEC.
NHẬT ĐĂNG
Nguồn tuoitre.vn