Xung đột Nga-Ukraine đã khiến các quốc gia nhỏ bé ở châu Âu như Litva phải suy nghĩ lại về chi tiêu quốc phòng của mình.
Litva (Lithuania) đang tích cực tăng cường sức mạnh các lực lượng vũ trang của mình và mua sắm thiết bị quân sự mới. Đầu vào cho quá trình quân sự hóa ở quốc gia nhỏ bé thuộc vùng Baltic này không gì khác hơn ngoài sản phẩm đến từ tổ hợp công nghiệp-quân sự của Mỹ.Bộ trưởng Quốc phòng Litva Arvydas Anušauskas cho biết chỉ riêng các giao dịch mua sắm theo kế hoạch và đang diễn ra giữa đất nước ông và cường quốc quân sự hàng đầu thế giới đã đạt tới 1,2 tỷ Euro (1.3 tỷ USD). Con số này chỉ ra rằng Litva là “khách hàng trung thành” của Mỹ. Tổng cộng, quốc gia thành viên EU và NATO này sẽ phân bổ khoảng 23 tỷ Euro (25 tỷ USD) cho nhu cầu quân sự trong 10 năm tới. Bộ trưởng Anušauskas lưu ý rằng khoản tiền này bao gồm toàn bộ các chi phí như chi phí cung cấp nhân sự, chi phí vận hành, chi phí mua vũ khí và các khoản mua sắm khác cho quân đội Litva.Xung đột Nga-Ukraine đã khiến các quốc gia nhỏ bé ở châu Âu như Litva phải suy nghĩ lại về chi tiêu quốc phòng của mình. Trước khi Nga sáp nhập Crimea và xung đột bùng phát ở Donbass vào năm 2014, Litva chỉ chi chưa đến 1% GDP cho quân đội. Trong ngân sách nhà nước của Litva đến năm 2023, phân bổ cho quốc phòng được lên kế hoạch ở mức 2,52% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Mục tiêu tiếp theo của nước này là đạt 3% GDP. Với mức phân bổ trên, quốc gia vùng Baltic đã vượt xa mức tối thiểu mà NATO quy định là 2% GDP.Việc Litva “nghiện” mua sắm hàng quốc phòng từ Mỹ có vẻ không phù hợp với xu hướng “tự chủ chiến lược” cho châu Âu mà lâu nay Pháp đang thúc đẩy. Cường quốc quân sự hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) muốn tiền của châu Âu được rót vào các công ty châu Âu thay vì dựa vào các nhà thầu bên ngoài lục địa này.Để phản ứng, hồi tháng 9 năm ngoái, Thứ trưởng Quốc phòng Litva Greta Monika Tučkutė nói với Politico EU rằng các nước châu Âu không nên loại trừ các công ty Mỹ khỏi việc mua sắm quốc phòng.“Mối liên kết xuyên Đại Tây Dương đang khiến chúng ta trở nên mạnh mẽ và cho phép chúng ta ngăn chặn bất kỳ kẻ thù nào, bất kỳ sự cám dỗ nào nhằm vượt qua biên giới của chúng ta”, bà Tučkutė nói trong một cuộc phỏng vấn bên lề triển lãm quốc phòng DSEI ở London.“Chúng ta nên cạnh tranh với các đồng minh và bạn bè của mình về mặt đổi mới, nhưng liên quan đến mua sắm nói chung, chúng ta cần mở cửa thị trường quốc phòng không chỉ cho các chủ thể châu Âu mà còn cho các đồng minh xuyên Đại Tây Dương”, vị quan chức Litva bổ sung.
Trụ sở Bộ Quốc phòng Litva ở Vilnius. Ảnh: LRT
Loại hàng quân sự tiêu biểu mà Litva từ lâu đã nhắm tới mua từ Mỹ là xe chiến thuật hỗn hợp hạng nhẹ (JLTV). Vào năm 2017, JLTV của Mỹ đã vượt qua 9 mẫu xe bọc thép khác được đề xuất cho Quân đội Litva.Vilnius đã nộp đơn đăng ký mua xe JLTV tại Mỹ vào cuối tháng 2/2019. Vào tháng 8/2021, Quân đội Litva đã nhận được lô xe JLTV đầu tiên do công ty Oshkosh Defense của Mỹ sản xuất.Lô xe bọc thép thứ hai đến vào tháng 11/2022. Năm 2022, Litva cũng đã ký hợp đồng mua thêm 300 chiếc JLTV nữa. Lô hàng mới nhất sẽ bắt đầu được giao trong năm nay. Những chiếc xe bọc thép này sẽ được trang bị súng máy hạng nặng M2 QCB sử dụng đạn 12,7 mm.Cuối cùng, khi toàn bộ các lô hàng được giao, tổng số phương tiện loại này trong Quân đội Litva sẽ lên tới 500 chiếc.Vào tháng 12/2022, Vilnius đã ký thỏa thuận mua Hệ thống Tên lửa Pháo binh cơ động cao, thường được gọi là “hỏa thần” HIMARS, do tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin phát triển. HIMARS đã được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động chiến đấu thực tế ở Ukraine.Tổng cộng, quốc gia vùng Baltic dự kiến sẽ mua 8 hệ thống tên lửa phóng loạt như vậy. Các hệ thống được chuyển giao cho Litva sẽ được cung cấp loại đạn có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 300 km. Hệ thống HIMARS đầu tiên dự kiến đến tay Litva vào năm 2024. Giá trị hợp đồng là 495 triệu USD.Minh Đức (Theo Modern Diplomacy, Politico EU, Caliber)
Nguồn www.nguoiduatin.vn