Ông Zelensky cảnh báo nguy cơ Nga cho nổ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia; Giám đốc CIA nói Mỹ không can dự vụ Wagner nổi loạn ở Nga; Pháp cử thêm nhiều cảnh sát tới điểm nóng bạo loạn... là những tin tức thế giới đáng chú ý sáng 2-7.
Cứu hộ và cảnh sát tham gia diễn tập chống bức xạ trong trường hợp khẩn cấp tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine, ngày 29-6 - Ảnh: REUTERS
* Ông Zelensky cảnh báo nguy cơ Nga cho nổ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ngày 1-7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo mối đe dọa vẫn còn tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do Nga chiếm đóng và cho biết Nga "sẵn sàng về mặt kỹ thuật" để kích hoạt một vụ nổ tại cơ sở này.
"Có mối đe dọa nghiêm trọng vì về mặt kỹ thuật, Nga đã sẵn sàng kích hoạt vụ nổ tại nhà máy", ông Zelensky nói, trích dẫn thông tin từ tình báo Ukraine.
Tổng thống Ukraine kêu gọi quốc tế chú ý nhiều hơn đến nhà máy Zaporizhzhia, cơ sở hạt nhân dân sự lớn nhất châu Âu, đồng thời thúc giục áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với công ty hạt nhân nhà nước Rosatom của Nga.
* Giám đốc CIA nhận định vụ nổi loạn của Wagner là thách thức lớn cho ông Putin. Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns cho rằng cuộc nổi loạn của trùm Wagner Yevgeny Prigozhin cho thấy tác động của cuộc chiến với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
"Điều đáng chú ý là Prigozhin đã đi trước một bước bằng một bản cáo trạng gay gắt về lý do dối trá của Điện Kremlin đối với chiến dịch quân sự ở Ukraine và về cách lãnh đạo quân đội Nga tiến hành chiến dịch", ông Burns phân tích trong một bài giảng cho Quỹ Ditchley của Anh - một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào quan hệ Mỹ - Anh - ở Oxfordshire, Anh.
"Những lời nói và hành động đó sẽ có tác động trong một thời gian, như một lời nhắc nhở về sự ăn mòn của cuộc chiến đối với xã hội và chế độ của ông Putin", ông Burns nói thêm.
Ông William Burns từng là đại sứ tại Nga từ 2005 - 2008, trước khi trở thành giám đốc CIA vào năm 2021. Ông Burns coi cuộc binh biến của trùm Wagner Prigozhin là "thách thức vũ trang đối với nhà nước Nga", đồng thời đây là "việc nội bộ của Nga mà Mỹ đã và sẽ không can dự".
* Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson vào tuần tới. Hai nhà lãnh đạo dự kiến thảo luận về hợp tác an ninh xuyên Đại Tây Dương và cuộc chiến ở Ukraine, đồng thời tái khẳng định quan điểm của họ rằng Thụy Điển nên gia nhập NATO càng sớm càng tốt.
Thụy Điển đã yêu cầu gia nhập NATO vào tháng 5-2022, ba tháng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tuy nhiên, việc này cần tất cả 31 quốc gia thành viên phê chuẩn, và Thụy Điển bị Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary chặn lại.
Các quan chức phương Tây đã hy vọng chính thức chào đón Thụy Điển gia nhập vào thời điểm Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Litva vào ngày 11 và 12-7.
Cảnh sát Pháp đi đầy đường ở khu vực trước Khải Hoàn Môn ở thủ đô Paris, ngày 1-7 - Ảnh: AFP
* Pháp cử binh sĩ tới các điểm nóng bạo loạn. Các cuộc biểu tình ở Pháp kéo dài sang đêm thứ 5 liên tiếp sau khi cảnh sát bắn chết thiếu niên 17 tuổi tên Nahel ở thành phố Nanterre, phía tây Paris ngày 27-6.
Đầu ngày 1-7, cảnh sát đã bắt giữ 1.311 người. Những người quá khích đã đập phá các cửa hàng và tòa nhà công cộng.
Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin cho biết sẽ triển khai 45.000 cảnh sát từ đêm 1-7 tới đầu ngày 2-7. Lực lượng và thiết bị an ninh đã gửi tới Lyon, Grenoble và Marseille.
Khoảng 7.000 cảnh sát sẽ túc trực ở thủ đô Paris và khu vực lân cận. Bộ trưởng Darmanin nói sẽ tăng cường cảnh sát để "khôi phục hoàn toàn trật tự của nền cộng hòa".
Xe buýt và xe điện ở Pháp đã ngừng chạy sau 21h và chính quyền đã cấm bán pháo hoa lớn và chất lỏng dễ cháy.
Các cuộc biểu tình phản đối cái chết của một thiếu niên gốc Algeria, một lần nữa phơi bày những căng thẳng chủng tộc nghiêm trọng ở nước Pháp hiện đại.
* Twitter sẽ giới hạn số lượng bài tweet được đọc mỗi ngày. Ông chủ Twitter là tỉ phú Elon Musk cho biết làm như vậy để ngăn chặn thu thập dữ liệu quá mức và thao túng hệ thống.
Các tài khoản đã được xác minh tạm thời chỉ được đọc 6.000 bài tweet mỗi ngày. Các tài khoản chưa được xác minh chỉ được đọc 600 tweet mỗi ngày.
Sắp tới, giới hạn đọc sẽ tăng lên 10.000 tweet/ngày đối với tài khoản đã xác minh và 1.000 tweet/ngày với tài khoản chưa xác minh.
Trước đó, Twitter thông báo rằng họ sẽ yêu cầu người dùng phải có tài khoản thì mới xem được tweet.
Tỉ phú Elon Musk gọi chính sách này là "biện pháp khẩn cấp tạm thời", vì hàng trăm tổ chức đang thu thập dữ liệu của Twitter, khiến trải nghiệm của người dùng bị ảnh hưởng.
Ông Musk từng không hài lòng với việc các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) như OpenAI, nơi làm ra ChatGPT, vì đã sử dụng dữ liệu của Twitter để đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn của họ.
Tỉ phú Elon Musk liên tục có những chính sách mới với Twitter từ khi nắm quyền điều hành - Ảnh: SLATE
* Nguy cơ 5G làm nhiễu sóng máy bay ở Mỹ.Các nhà cung cấp dịch vụ 5G triển khai hệ thống mới gần các sân bay lớn từ ngày 1-7.
Nhiều năm nay, các hãng hàng không đã cảnh báo rằng tín hiệu 5G có thể gây nhiễu thiết bị máy bay, đặc biệt là thiết bị sử dụng sóng vô tuyến để đo khoảng cách trên mặt đất. Thiết bị này rất quan trọng khi máy bay hạ cánh trong điều kiện tầm nhìn hạn chế.
Năm ngoái, các công ty viễn thông đã đồng ý hạn chế cường độ tín hiệu xung quanh sân bay lớn, giúp các hãng hàng không có thêm một năm để nâng cấp máy bay.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Giao thông vận tải Mỹ Pete Buttigieg gần đây đã nói với các hãng hàng không rằng các chuyến bay có thể bị gián đoạn vì một phần nhỏ máy bay ở Mỹ chưa được nâng cấp để chống nhiễu sóng vô tuyến.
Hầu hết các hãng hàng không lớn của Mỹ đều đã sẵn sàng. American, Southwest, Alaska, Frontier và United cho biết tất cả các máy bay của họ đều có thể chống nhiễu 5G.
* Vua Hà Lan Willem-Alexander xin lỗi về vai trò của đất nước ông trong chế độ nô lệ và cầu xin sự tha thứ. Nhiều người đãhò reo ủng hộ phát biểu của vua Hà Lan tại một sự kiện kỷ niệm ngày xóa bỏ chế độ nô lệ, diễn ra vào ngày 1-7.
Trước đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte vào cuối năm ngoái cũng đã xin lỗi về vai trò của nước này trong việc buôn bán nô lệ và chế độ nô lệ.
Trong một bài phát biểu đầy xúc động, Vua Hà Lan Willem-Alexander nhắc lại lời xin lỗi đó khi nói với đám đông khách mời và những người chứng kiến: “Hôm nay tôi đứng trước các bạn. Hôm nay, với tư cách là vua và là một thành viên của chính phủ, tôi tự mình đưa ra lời xin lỗi này. Và tôi cảm thấy sức nặng của những lời nói trong trái tim và tâm hồn mình".
“Nhưng hôm nay, vào ngày tưởng niệm này, tôi cầu xin sự tha thứ vì đã không hành động rõ ràng trước tội ác chống lại loài người”, ông nói thêm.
Bẫy thú rừng
Những người kiểm lâm Uganda đang đứng bên “núi bẫy thú” tại vườn quốc gia Murchison Falls. Đống dây nhợ là những gì họ thu được trong 12 tháng làm việc. Chúng là các bộ phận trong những chiếc bẫy voi, hà mã, sư tử cùng nhiều loài khác của những kẻ săn bắt thú trái phép - Ảnh: UGANDA CONSERVATION FOUNDATION
Tin tức thế giới 1-7: Mỹ hiểu độ phản công chậm của Ukraine; Nga, Ấn bàn về vụ Wagner
Tướng Mỹ Mark Milley cho biết không ngạc nhiên về tốc độ phản công của Ukraine; Iraq biểu tình vì đốt kinh Quran ở Thụy Điển; Nga cấm xe tải vận chuyển hàng hóa của Ba Lan… là những tin tức thế giới đáng chú ý sáng 1-7.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Nguồn tuoitre.vn