Người dân lao đao khi tôm hùm bông trên các lồng bè ở vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) bị tồn vì giá rẻ, khó tiêu thụ. Họ còn bị khó đơn khó kép khi thương lái nợ tiền tỷ trong thời gian dài rồi biệt tăm.
Chủ lồng nuôi tôm hùm đối mặt rủi ro vì khó tiêu thụ
Vùng nuôi tôm hùm trên vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh có khoảng 35.000 lồng tôm hùm. Trong đó, gia đình anh Nguyễn Ngọc Đại có 50 lồng nuôi. Trong số này 30 lồng là tôm hùm bông với 2.400 con, số còn lại là tôm hùm xanh, tổng chi phí đầu tư khoảng 1,4 tỷ đồng.
Hàng tấn tôm hùm bông nuôi trên vịnh Vân Phong đạt trọng lượng để xuất bán nhưng đang bị tồn.
Thấy tôm phát triển đều, khỏe mạnh, anh hy vọng trả được nợ ngân hàng, có thêm vốn đầu tư. Tuy nhiên, tới lúc tôm hùm bông có thể xuất bán thì nỗi lo ập tới khi Trung Quốc - thị trường lớn nhất của tôm hùm Việt Nam - ngưng nhập sản phẩm này, còn sức tiêu thụ trong nước giảm mạnh. Giá loại tôm này cũng giảm một nửa, khi cùng kỳ năm ngoái giá trung bình 1,5-1,8 triệu đồng. Còn tôm để lâu chất lượng giảm, tốn chi phí thức ăn.
Cách đó không xa, ông Nguyễn Văn Trợ, 53 tuổi, còn lo lắng hơn bởi còn 40 lồng tôm hùm bông thương phẩm quá lứa, nhưng vẫn đang ế. Gia đình ông Trợ đầu tư 3,2 tỷ đồng (vay ngân hàng 1,5 tỷ đồng) để nuôi 12.000 tôm hùm bông và 5.000 tôm hùm xanh, hồi năm trước.
Ông Nguyễn Văn Trợ làm việc trên bè nuôi tôm hùm, lo lắng khi không xuất được hàng.
Tuy nhiên, tới lúc tôm hùm bông có thể xuất bán thì không thể bán được, sức tiêu thụ trong nước giảm mạnh.
“Tôm không bán được, nhưng vẫn phải trả lãi hàng tháng. Còn tiền bán tôm trước đây thì bên mua không chịu trả, khiến chúng tôi đã khó nay càng khó hơn”, ông Trợ nói và cho biết, hơn 310 triệu đồng số tiền bán vụ tôm trước gần năm nay chưa được thương lái trả dù mòn mỏi đòi.
Bị thương lái nợ tiền tỷ, người nuôi tôm khó chồng khó
Theo anh Đại, năm trước, anh bán tôm cho bà P.T.T.H có cơ sở thu mua ở thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) với số tiền hơn 840 triệu đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, bà P.T.T.H không chịu trả, dù chủ lồng nhiều lần đòi.
“Đã lo vì tôm chưa xuất được mà thương lái cũng không chịu trả tiền mua tôm, chúng tôi càng đối mặt với khó khăn”, anh Đại tâm sự.
Anh Đại và bà Chín trưng ra giấy nợ cùng tài liệu việc chủ cơ sở thu mua tôm nợ tiền tỷ.
Bà Phạm Thị Chín, 58 tuổi, sống trong thấp thỏm khi hơn 5.000 con tôm hùm bông thương phẩm trọng lượng 0,8-1kg, chưa xuất bán được, giá thì ngày càng rẻ. Hồi đầu năm, vào tháng 2/2023 gia đình bà cũng đã dốc hết tôm bán cho bà P.T.T.H với số tiền hơn 7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau lần viết giấy nợ bằng tay cho bà Chín (không ghi rõ ngày trả), bà P.T.T.H hứa hẹn sẽ trả nhưng đến nay vẫn biệt tích. Bà Chín nhiều lần liên lạc nhưng chủ cơ sở mua tôm nợ tiền khóa máy điện thoại, tới nhà tìm thì không thấy bà P.T.T.H.
Nhân công làm việc trên các lồng bè nuôi tôm.
Có thâm niên gần 20 năm trong nghề, bà Chín nói chưa bao giờ người nuôi tôm hùm gặp khó khăn như hiện nay. Lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt bà Chín khi từ là một gia đình kinh tế khá giả, nay chật vật trong nợ nần.
Vợ chồng bà phải vay ngân hàng 3,6 tỷ đồng, mỗi tháng trả gần 40 triệu đồng. “Tôm hùm bông được gia đình tôi đầu tư mạnh, nay không xuất khẩu được. Càng để lâu thì chất lượng càng giảm và tốn thêm chi phí thức ăn, rủi ro tôm bị chết cao”, bà Chín than thở.
Tương tự, hàng chục chủ lồng nuôi tôm trong vùng đang xao xác vì bà P.T.T.H chưa chịu trả số tiền mua tôm hơn 17 tỷ đồng. Họ nhiều lần yêu cầu hoàn trả tiền, song không nhận được phản hồi. Vụ việc kéo dài gần cả năm nên các chủ lồng đã có đơn tố cáo tập thể gửi Công an huyện Vạn Ninh.
Vùng nuôi tôm trên vịnh Vân Phong.
Liên quan vấn đề này, trao đổi với PV. VietNamNet, lãnh đạo Công an huyện Vạn Ninh cho biết đã tiếp nhận đơn tố cáo của người dân về việc bị chủ cơ sở thu mua tôm chưa trả với số tiền lớn. Công an đã thụ lý sự việc, đang trong quá trình điều tra. |
tin liên quan
Bình luận
Nguồn infonet.vietnamnet.vn