Vụ thang máy suýt ‘nuốt chửng’ người là tình huống nguy hiểm, đe dọa tính mạng
Thứ ba, 16:57 27/08/2024 | Thời sự
Theo dõi Gia đình và Xã hội trên
News
Sau khi xem clip vụ thang máy suýt ‘nuốt chửng’ người, Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam nhận định, đây là một tình huống vô cùng nguy hiểm, đe dọa tính mạng.
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 7h30 ngày 26/8, thang máy của tòa HH2C, chung cư HH Linh Đàm xảy ra sự cố. Tại thời điểm đó, có khoảng 9 người đang đứng trong thang máy tại tầng 1. Khi thang máy chưa đóng cửa, một người đàn ông mặc áo trắng chuẩn bước vào, nhưng thang không dừng lại mà đóng cửa rồi chạy lên tầng cao.
Theo đoạn clip ghi lại sự việc, người đàn ông trên suýt bị kẹp ở cửa thang. Rất may, người này kịp thời rút chân và lui người lại, tránh được một vụ tai nạn. Những người trong thang máy bàng hoàng trước tình huống này.
Hình ảnh người đàn ông mặc áo trắng đeo kính đen chuẩn bị bước vào suýt bị thang máy "nuốt chửng". Ảnh: Cắt từ clip
Ngày 27/8, lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt cho biết, đã có văn bản yêu cầu Chi nhánh dịch vụ nhà ở Linh Đàm và Công ty TNHH thang máy DHE khẩn trương kiểm tra hệ thống, kiểm định lại, đánh giá chuẩn xác tình hình hoạt động các thang máy ở tổ hợp chung cư HH. Các bên liên quan cần thực hiện bảo trì, sửa chữa để đảm bảo an toàn vận hành thang máy.
Nói về vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Hải Đức, Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam, cho biết: “Qua xem clip, tôi nhận thấy đây là một tình huống vô cùng nguy hiểm, đe dọa tính mạng của người dân.
Trong trường hợp này, khi người dân bước vào thang máy nhưng cửa vẫn đóng lại, điều đó cho thấy mạch hồng ngoại của thang máy đã bị hỏng. Nếu cửa chưa đóng hoàn toàn mà cabin vẫn di chuyển, thì đây là một vấn đề nghiêm trọng, vì mạch an toàn của cửa thang máy đã bị vô hiệu hóa”.
Hình ảnh người đàn ông suýt bị thang máy "nuốt chửng". Ảnh: Cắt từ clip
Ông Đức giải thích thêm: "Thông thường, tình huống này xảy ra là do nhân viên kỹ thuật ít kinh nghiệm hoặc nhận thức kém đã đấu tắt hệ thống thang máy. Hành vi này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng thang. Việc đấu tắt này thường do kỹ thuật viên bảo trì thực hiện, hoặc trong quá trình làm việc, họ quên trả hệ thống về trạng thái bình thường.
Đối với các thang máy sản xuất tại châu Âu, hệ thống chống đấu tắt sẽ ngăn ngừa tình huống này. Tuy nhiên, với những thang máy không đạt tiêu chuẩn an toàn khi sản xuất, việc đấu tắt vẫn có thể khiến thang hoạt động", ông Đức chia sẻ thêm.
Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam cũng nhấn mạnh: "Thang máy bị đấu tắt rất nguy hiểm, và tai nạn chết người có thể xảy ra bất cứ lúc nào".
Từ vụ việc trên, ông Nguyễn Hải Đức đưa ra khuyến cáo: "Nhân viên kỹ thuật phải có chứng chỉ đào tạo và am hiểu sâu về vấn đề này. Sau mỗi lần bảo trì bảo dưỡng, tất cả các mạch an toàn cần phải được kiểm tra kỹ lưỡng. Kỹ thuật viên phải hiểu rằng việc đấu tắt thang máy vô cùng nguy hiểm, có thể dẫn đến tai nạn chết người. Người dân cần chú ý không chen lấn, xô đẩy, và không cố tình bước vào cabin khi cửa thang máy đã bắt đầu đóng lại.
Khi muốn mở hoặc giữ cửa thang máy, người dân chỉ nên nhấn nút mở cửa trên bảng điều khiển một lần, không nên nhấn giữ quá lâu hoặc dùng tay, chân hay các vật dụng khác để chặn cửa khi nó đang đóng lại".
Nguồn giadinh.suckhoedoisong.vn