Giới chuyên gia cho rằng động thái dán nhãn mang yếu tố chính trị nhiều hơn là chuyên môn và chìa khoá giải quyết nằm ở chính sách thương mại chứ không phải tiền tệ.
Trả lời VnExpress, nhiều chuyên gia cho rằng cần nhìn nhận đúng vấn đề của việc Mỹ gắn nhãn Việt Nam thao túng tiền tệ để tránh những phản ứng thái quá.
Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN đánh giá, kết luận của phía Mỹ nặng "yếu tố chính trị hơn các yếu tố chuyên môn, kỹ thuật". Qua trao đổi và tham vấn với các bên thứ ba đáng tin cậy tại Mỹ, ông thấy họ cũng cho rằng Việt Nam không thao túng tiền tệ. "Các chuyên gia đến từ Mỹ cũng hiểu điều này. Thặng dư thương mại Việt Nam đến từ các lý do khác", ông nói.
Thặng dư thương mại hàng hoá song phương với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD là một trong ba yếu tố để Mỹ xác định một quốc gia có thao túng tiền tệ hay không, bên cạnh thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP và can thiệp bằng ngoại tệ vượt quá 2% GDP.
Việc có thặng dư thương mại lớn với Mỹ chủ yếu đến từ cán cân thương mại có đặc trưng chi phí nhân công rẻ, thâm hụt lao động, tiếp nhận đầu tư nước ngoài, khai thác tài nguyên của Việt Nam. Mặt khác, phần thặng dư không ngừng tăng lên trong các năm gần đây có thể là hệ quả không mong muốn từ chính sách cứng rắn của chính quyền Donald Trump với Trung Quốc khiến nhiều doanh nghiệp phải di dời, tìm nguồn cung ứng mới tại các nước, trong đó có Việt Nam.
Dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã tăng mạnh trong 4 năm ông Trump làm tổng thống: từ 38,3 tỷ USD năm 2017, tăng lên 39,4 tỷ USD năm 2018, 55,7 tỷ USD năm 2019 và hướng đến đà kỷ lục 65 tỷ USD trong năm nay.
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thuơng mại Hoa Kỳ (Amcham) tại Hà Nội nhận xét: "Chính quyền của Tổng thống Trump nên coi xu hướng này là bằng chứng về sự thành công của họ trong thực hiện chính sách đa dạng hoá chuỗi cung ứng ở châu Á – Thái Bình Dương".
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Chủ tịch US-ABC Alex Feldman trao đổi biên bản ghi nhớ "Tăng cường hợp tác công nghiệp và thương mại" dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 4/3/2020. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
Việc Mỹ dán nhãn thao túng tiền tệ cho Việt Nam, theo ông Vũ Thành Tự Anh, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, chỉ là một sự khởi đầu cho tiến trình đàm phán giữa hai bên.
Ông cho rằng, ngay cả khi Việt Nam bị định danh thao túng tiền tệ, Mỹ cũng không thể ngay lập tức áp đặt lệnh trừng phạt. "Theo quy trình, hai bên có 1 năm để tiến hành trao đổi, thương lượng giải quyết vấn đề", ông Tự Anh nói. Do vậy, bước tiếp theo sẽ là giai đoạn Việt Nam và Mỹ đàm phán giải quyết các vấn đề.
"Điều quan trọng là phải hiểu thực sự phía Mỹ đang quan ngại gì để giải quyết. Có khi điều họ quan tâm không nhất thiết liên quan đến ngoại hối", ông Tự Anh phân tích. Do vậy, ông khuyến nghị Việt Nam cần tích cực, chủ động và thực tiễn trong cách ứng xử, đàm phán với chính quyền Mỹ. Nếu tìm được những điểm đồng thuận, có thể Việt Nam sẽ nhanh chóng thoát khỏi mác "thao túng tiền tệ" giống Trung Quốc hồi đầu năm nay. Nước này bị quy kết chính thức là thao túng tiền tệ hồi tháng 8/2019 và được tháo mác tháng 1/2020. Trước đó, Trung Quốc cũng bị coi là thao túng tiền tệ giai đoạn 1992-1994.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: SBV.Đồng quan điểm, ông Vũ Tú Thành lưu ý, Việt Nam không phá giá đồng tiền nên không thể tháo mác thao túng bằng câu chuyện ngoại hối hay qua chính sách tiền tệ mà cần giảm thâm hụt thương mại với Mỹ.
Điều này thể hiện ở việc giảm xuất khẩu sang Mỹ và tăng nhập khẩu hàng hoá từ nước này. "Lý tưởng nhất là làm cả hai đồng thời. Nhưng trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, khả thi nhất là tăng nhập khẩu từ Mỹ với những mặt hàng tạo lợi ích cho hai bên", ông Vũ Tú Thành nói.
Đơn cử với lĩnh vực năng lượng, điện khí LNG là mặt hàng Việt Nam có nhu cầu lớn trong khi nguồn cung từ Mỹ dồi dào, giá cả cạnh tranh. "Nếu Việt Nam đẩy nhanh được những dự án này, sẽ cải thiện đáng kể cán cân thương mại với Mỹ", ông Thành lưu ý.
Dù vậy, khi bị xem là nước thao túng tiền tệ, Việt Nam cũng có thể đối diện một số nguy cơ nhất định. Mặt khác, các chuyên gia đều cho rằng, Việt Nam cũng đồng thời nên tích cực trao đổi, vận động các thành viên mới của chính quyền Tổng thống mới đắc cử Biden.Thứ nhất, điều này có thể tác động liên đới đến kết quả điều tra gian lận thương mại mà Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) khởi xướng vào đầu tháng 10 với ngành gỗ. Việc điều tra theo Điều 301 của Đạo luật Thuơng mại 1974 nhằm xác định liệu Việt Nam có phá giá đồng tiền và sử dụng gỗ bất hợp pháp để xuất khẩu sang Mỹ không.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM cho biết, các doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam có đủ bằng chứng để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ gỗ nguyên liệu. Những cáo buộc của USTR về gỗ lậu dựa trên những bằng cớ đã cũ, từ những năm 2015-2016. Với nội dung còn lại của cuộc điều tra liên quan đến phá giá đồng tiền, được USTR tiến hành độc lập với Bộ Tài chính Mỹ, nhưng cũng có thể bị tác động chi phối.
Doanh nghiệp dệt may, da giày, dù không phải đối tượng ảnh hưởng trực tiếp đến lần điều tra này, cũng đang chờ đợi đến phiên điều trần ngày 28/12. Dệt may, da giày, ngoài việc có một phần nhỏ nguyên liệu đầu vào là gỗ, là những mặt hàng dẫn đầu danh sách xuất siêu sang Mỹ, do vậy nằm trong nhóm dễ bị áp thuế trừng phạt, theo ông Vũ Tú Thành.
Thứ hai, với tuyên bố Việt Nam là quốc gia thao túng tiền tệ, chính phủ Mỹ đã có bước đệm để áp các lệnh trừng phạt thương mại đối với Việt Nam mà biện pháp dễ nhất là đánh thuế lên các mặt hàng xuất khẩu.
Ví dụ với nhóm 3 mặt hàng Việt Nam có thế mạnh là dệt may, da giày, gỗ, số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, 9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ là 20 tỷ USD, nếu bị áp thuế 5-25%, ở kịch bản tươi sáng nhất là giữ nguyên được lượng hàng xuất khẩu, giả định giá không đổi, doanh nghiệp tối thiểu lỗ ngay 1-5 tỷ USD.
Tuy nhiên, giới doanh nghiệp cho rằng, thực tế sẽ không chỉ dừng lại ở các con số nêu trên do họ có thể bị giảm sản xuất, mất thị trường, cũng như hỗn loạn chuỗi cung ứng. Tác động của chuỗi cung ứng không chỉ tác động đến doanh nghiệp Việt Nam mà ngay cả với các doanh nghiệp Mỹ đang sản xuất hàng hoá tại thị trường này. Để xây dựng một chuỗi cung ứng, trung bình doanh nghiệp cần 2-3 năm.
Dù vậy, theo ông Vũ Thành Tự Anh, việc trừng phạt nếu xảy ra, sẽ có các cấp độ khác nhau, tuỳ thuộc vào từng loại, nhóm mặt hàng. "Có rất nhiều biến số để phía Mỹ đưa ra quyết định cuối cùng nên sẽ không tạo ra tác động huỷ diệt mà chỉ ảnh hưởng một số mảng nhất định. Đấy là trong trường hợp xấu nhất", ông nói.
Thứ ba là lo ngại về dòng FDI chuyển hướng khỏi Việt Nam. Theo ông Vũ Tú Thành, việc doanh nghiệp nước ngoài bị tác động bởi thông tin này phải dựa trên hai giả định gồm mức thuế trừng phạt từ Mỹ phải đủ lớn và thời gian áp dụng tương đối dài, ít nhất trong 1-2 năm.
Còn ông Tự Anh nhìn nhận việc này có thể diễn ra ở một số lĩnh vực Việt Nam xuất siêu lớn và tốc độ tăng trưởng xuất siêu cao sang Mỹ. "Thực tế điều này đã xảy ra ở một số lĩnh vực, như đồ gỗ nội thất, tôi biết là đã có rồi. Nó không có gì ngạc nhiên cả", ông nói. Nhưng việc dịch chuyển này không xảy ra một cách đại trà, các chuỗi cung ứng sẽ không ồ ạt chuyển sang Campuchia, Bangladesh hay các nước khác.
"Việc chuyển đi chỉ diễn ra với một số mặt hàng có rủi ro cao, chuyển dịch không tốn kém, còn bê hẳn một nhà máy đi lắp đặt trong điều kiện Covid-19 này thì không dễ", ông nói.
Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và ngược lại, Việt Nam cũng trở thành một trong những thị trường nhập khẩu tiềm năng của Mỹ với tốc độ phát triển nhanh nhất, đặc biệt với các mặt hàng về nông nghiệp, máy bay, năng lượng, thiết bị, công nghệ... Theo Giám đốc điều hành Amcham Adam Sitkoff, Việt Nam cũng đang nhận hàng tỷ USD từ các công ty Mỹ mỗi năm mà phần lớn trong số đó cùng để xây dựng chuỗi cung ứng tích hợp có lợi cho người tiêu dùng Mỹ.
Phương ÁnhTrở lại Kinh doanhTrở lại Kinh doanhChia sẻ ×
Nguồn vnexpress.net