TTO - Ông Hồ Đức Phớc, bộ trưởng Bộ Tài chính, cho biết việc xác định giá trị doanh nghiệp, trong đó có giá trị đất đai, khi cổ phần hóa thường thấp hơn giá trị thực tế, gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước.
Công ty bò sữa TP.HCM đã có sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai (trước đây công ty này thuộc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn) - Ảnh: ST
Phát biểu tại hội thảo tìm giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, do Bộ Tài chính tổ chức hôm 17-5, ông Hồ Đức Phớc, bộ trưởng Bộ Tài chính, nhận định hiện còn tồn tại nhiều nút thắt trong thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Chính sách xác định giá trị đất đai chưa rõ
Cụ thể, theo ông Phớc, tiến độ thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hai năm nay quá chậm. Nguồn thu từ cổ phần hóa không đạt yêu cầu. Năm 2021, Quốc hội giao Chính phủ nguồn thu từ cổ phần hóa là 40.000 tỉ đồng, nhưng hết năm chỉ thu chưa đầy 2.000 tỉ đồng.
Đặc biệt, việc xác định giá trị doanh nghiệp không chính xác, thường là thấp hơn giá trị thực tế, gây thất thoát, lãng phí. Thực tế, một số vụ việc bị hình sự hóa do có sai phạm liên quan đến xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị sử dụng đất như tại Công ty Tân Thuận, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn... Đây là những vụ án điển hình.
"Việc xác định giá trị doanh nghiệp rất quan trọng. Khi tôi làm tổng Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước có kiểm toán lại 45 doanh nghiệp thì giá trị tăng bình quân là 2,8 lần. Điều này cho thấy xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước chưa chính xác, mà rủi ro lớn nhất là vấn đề xác định giá trị quyền sử dụng đất.
Việc tính giá trị đất không sát giá thị trường; ngoài ra, dù có sát thị trường thì sau 10 năm, 20 năm, giá trị lại khác… Đây là lỗ hổng gây thất thoát, chưa nói đến việc nộp tiền thuê đất một lần thì doanh nghiệp cổ phần hóa có thể chuyển mục đích sử dụng đất để làm nhà đô thị, hay công trình khác", ông Phớc nhận định.
Năm 2018, Quốc hội đã ra nghị quyết số60 nghiêm cấm việc chuyển mục đích sử dụng đất có nguồn gốc từ doanh nghiệp nhà nước sang mục đích khác. Nhưng đến năm 2020, Chính phủ ban hành nghị định số 140 sửa đổi chưa quy định rõ có được chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay không, làm cho địa phương lúng túng khi triển khai.
"Đây cũng là vấn đề cần nhận diện một cách chính xác, đúng cốt lõi vấn đề để tham mưu Chính phủ sửa đổi nhất quán về mặt luật pháp" - bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
Đề xuất bỏ đất đai khi tính giá trị doanh nghiệp
Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, ông Phớc thừa nhận cần phải sửa đổi chính sách. Đó là quy định phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp một cách chính xác. Đồng thời, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, trong đó giá trị quyền sử dụng đất có tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa không?
Nghị định 44 có quy định 5 phương pháp xác định giá đất. Nhưng 5 phương pháp lại cho ra 5 kết quả khác nhau, thậm chí chỉ một phương pháp thặng dư nhưng cũng cho ra kết quả khác nhau vì đầu vào khác nhau, các biến số khác nhau. Vấn đề này sẽ được Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên - môi trường phối hợp nghiên cứu để đề xuất Chính phủ sửa nghị định 44 trong thời gian tới.
Đồng tình với đề xuất loại đất đai ra khỏi giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, ông Nguyễn Xuân Nam, phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nói đưa đất vào gây khó cho doanh nghiệp, bởi giá thị trường nay thế này mai thế khác và thay đổi liên tục. Doanh nghiệp làm rất lo bị sai do chính sách không rõ chứ không phải doanh nghiệp muốn làm sai.
"Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cũng như các đơn vị khác, lo sợ nhất là đánh giá giá trị doanh nghiệp để thoái vốn, sợ nhất "ông" đất. Làm gì có thị trường khi bán cả khuôn viên nhưng cứ xác định giá mà người dân đang giao dịch. Việc "đánh" giá đất thật cao thì không có người mua, nếu không đưa cao thì sợ", ông Nam nói.
TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng lâu nay có vẻ chúng ta không bán doanh nghiệp mà bán đất. Nhiều sai phạm liên quan cũng liên quan đến đất. Để giảm vi phạm, nhiều người phải vào tù đã tách đất đai ra khỏi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Một loạt đại gia ăn đậm 'đất vàng' nhờ cổ phần hóa
TTO - Kết quả kiểm toán việc quản lý sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở Đà Nẵng đã lộ rõ nhiều sai phạm nghiêm trọng. Theo đó, nhiều đại gia đã tìm cách biến hóa "đất vàng" trong quá trình cổ phần hóa để thu lợi.
LÊ THANH
Nguồn tuoitre.vn