Doanh nghiệp mỳ gói Hàn Quốc thu vài trăm tỷ mỗi năm ở Việt Nam

  • 20/08/2022 11:28:31

Khi Việt Nam vượt Hàn Quốc thành nước tiêu thụ mỳ cao nhất thế giới, những nhà sản xuất mỳ gói xứ kim chi cũng thành ngôi sao mới ở thị trường 100 triệu dân.

Khi Việt Nam vượt Hàn Quốc thành nước tiêu thụ mỳ cao nhất thế giới, những nhà sản xuất mỳ gói xứ kim chi cũng thành ngôi sao mới ở thị trường 100 triệu dân.

Năm 2021, lượng tiêu thụ mỳ gói (tính trên đầu người) của Việt Nam vượt qua Hàn Quốc.

Doanh nghiệp mỳ gói Hàn Quốc thu vài trăm tỷ mỗi năm ở Việt Nam

Những thương hiệu mỳ Hàn Quốc trên kệ một siêu thị tại Hà Nội. Ảnh: Minh Sơn

Tờ Koreal Herald của Hàn Quốc dẫn số liệu từ Nongshim - nhà sản xuất mỳ gói hàng đầu tại quốc gia này, cho biết mỗi người dân Việt Nam trung bình sử dụng 87 gói mỳ ăn liền trong năm 2021, cao hơn mức 73 gói của người dân Hàn Quốc. Trong khi đó, theo Hiệp hội Mỳ ăn liền thế giới, Việt Nam là quốc gia đứng thứ ba về quy mô tiêu thụ với 8,56 tỷ gói trong năm 2021, sau Trung Quốc và Indonesia. Tuy nhiên, nếu xét về tốc độ tăng trưởng, không có thị trường nào trong top 10 vượt được Việt Nam.

Thị trường mỳ ăn liền hiện được chi phối với khoảng 50 nhà sản xuất, trong đó Vina Acecook, Masan và Asia Food chiếm khoảng 70% thị phần.

Còn lại thuộc về những nhà sản xuất nước ngoài, trong đó những công ty từ Hàn Quốc đang nổi lên bởi sự phổ biến của văn hóa và cách áp dụng chiến lược nội địa hóa.

Sự khác biệt lớn nhất giữa một gói mỳ tiêu chuẩn của Hàn Quốc với Việt Nam là trọng lượng, với khoảng 120-200 g tại thị trường Hàn Quốc, trong khi mức tiêu chuẩn của các nhà sản xuất Việt Nam là 80g. "Người ta nói rằng sức mua của Việt Nam đã được cải thiện, nhưng với mức lương khởi điểm cho một sinh viên tốt nghiệp đại học khoảng 400 USD, giá mỗi gói mỳ Hàn Quốc vẫn là một mức cao", đại diện một nhà sản xuất nói với TheKorea Post.

Để vừa phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng, nhưng cũng tìm cách giữ được bản sắc riêng, những nhà sản xuất từ Hàn Quốc chọn chiến lược đi đồng thời theo hai hướng, nhập khẩu cả sản phẩm nguyên bản và sản xuất riêng cho thị trường Việt Nam.

Paldo là một ví dụ. Nhà sản xuất này thành lập pháp nhân tại Việt Nam từ năm 2006 và xây dựng nhà máy rộng gần 12.000 m2 tại Phú Thọ vào năm 2012-2013.

Để nhấn mạnh về xuất xứ, Paldo đưa ra thị trường thương hiệu "Koreno", được sản xuất tại nhà máy Phú Thọ. Đồng thời, nhà sản xuất này vẫn giữ các sản phẩm nguyên bản nhập từ Hàn Quốc như mỳ trộn tương đen Jjajangmen (với trọng lượng gấp bốn lần gói mỳ sản xuất theo quy chuẩn cho thị trường Việt Nam).

Doanh nghiệp mỳ gói Hàn Quốc thu vài trăm tỷ mỗi năm ở Việt Nam

Sự quan tâm của thị trường và người tiêu dùng có thể thấy từ tốc độ tăng trưởng doanh thu của nhà sản xuất này. Năm 2017, doanh thu thuần của Công ty TNHH Paldo Vina đạt hơn 470 tỷ đồng. Đến năm 2021, con số này tăng lên gần gấp đôi, đạt hơn 910 tỷ đồng.

Trong khi nhiều lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi hai năm đại dịch, doanh thu và lợi nhuận của những nhà sản xuất mỳ ăn liền vẫn không ngừng tăng.

Ottogi cũng tương tự. Công ty này thành lập pháp nhân tại Việt Nam từ năm 2006, bắt đầu kinh doanh chủ yếu là các sản phẩm nước chấm, trước khi đẩy mạnh sản phẩm mỳ ăn liền.

Giai đoạn 2016-2018, Ottogi quyết định đẩy nhanh việc thâm nhập thị trường thông qua việc xây dựng nhà máy sản xuất mỳ ăn liền tại Bắc Ninh, là cơ sở sản xuất mỳ ở nước ngoài duy nhất của tập đoàn này.

Doanh nghiệp mỳ gói Hàn Quốc thu vài trăm tỷ mỗi năm ở Việt Nam

Kể từ khi nhà máy này đi vào hoạt động, doanh thu tăng với biên độ hai chữ số.

Năm 2018, Công ty TNHH Ottogi Việt Nam thu về hơn 470 tỷ đồng doanh thu thuần. Con số này tăng lên hơn 680 tỷ vào năm 2020 và vượt mốc 900 tỷ đồng vào năm 2021. Lợi nhuận ròng từ mức gần 8 tỷ vào năm 2019 cũng tăng hơn bốn lần chỉ sau ba năm.

Dù "sinh sau đẻ muộn", Nongshim cũng là cái tên đáng chú ý. Nhà sản xuất này hiện đứng thứ 5 thế giới về sản xuất mỳ ăn liền và chiếm 55% thị phần tại Hàn Quốc. Năm 2020, doanh thu trên toàn cầu từ sản phẩm mỳ ăn liền của Nongshim đạt 1,85 tỷ USD.

Thành lập từ năm 2018 nhưng phải đến 2020, Nongshim Việt Nam mới đẩy mạnh các hoạt động quảng bá khi đánh giá lại tiềm năng thị trường. Nhà sản xuất này lắp đặt máy nấu mỳ tại một số cửa hàng tiện lợi, vốn là kênh tiêu dùng chính của giới trẻ, vận hành xe bán đồ ăn tại TP HCM. Gần đây, nhờ sự nổi tiếng của các bộ phim Hàn Quốc, Nongshim đưa ra thị trường một loạt các sản phẩm mới.

Trong năm đầu hoạt động, doanh thu của Nongshim Việt Nam đã vượt mốc 100 tỷ đồng. Năm 2021, doanh thu của nhà sản xuất này tăng gần 11%, với biên lợi nhuận gộp trên 21%.

"Người dân Việt Nam có sức mua tốt hơn với tốc độ phát triển kinh tế ngày càng cao. Ngoài ra, tiềm năng còn đến từ việc mọi người có xu hướng ăn ở nhà hơn là ăn ở ngoài do Covid-19", một lãnh đạo của Nongshim nhận xét.

Theo các công ty nghiên cứu thị trường, với sự du nhập ngày càng nhiều của văn hóa Hàn Quốc, từ âm nhạc cho tới phim ảnh, tiềm năng tăng trưởng cho những thương hiệu mỳ ăn liền Hàn Quốc sẽ được củng cố khi mức độ nhận diện cao hơn.

Cuộc đua tại phân khúc cao cấp, hiện vẫn chiếm áp đảo bởi những nhà sản xuất Việt Nam, được dự báo trở nên khốc liệt hơn với những "ngôi sao" mới từ Hàn Quốc.

vnexpress

Tin Cùng Mục

Tin Mới Nhất

Doanh nghiệp mỳ gói Hàn Quốc thu vài trăm tỷ mỗi năm ở Việt Nam - Thị Trường

  • Tin Mới Nhất
  • Đọc Nhiều