Thương lái bỏ cọc, nông dân khó bán lúa, nhà máy chạy cầm chừng, doanh nghiệp ngại xuất khẩu gạo… đang đe doạ sự đứt gãy chuỗi cung ứng lúa gạo ở miền Tây.
Vụ hè thu năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết miền Tây xuống giống hơn 1,5 triệu ha lúa. Đến nay, toàn vùng đã thu hoạch hơn 700.000 ha, số còn lại sẽ thu hoạch dứt điểm trong tháng 8 và đầu tháng 9, với tổng sản lượng toàn vụ khoảng 8 triệu tấn.
Thu hoạch lúa hè thu bằng máy gặt đập liên hợp tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Ảnh: Cửu Long.
Tuy nhiên, giá lúa tại đây đang giảm rất mạnh so với một tháng trước. Hiện lúa thơm chỉ còn 5.500-5.600 đồng mỗi kg, giảm 500-600 đồng. Lúa chất lượng cao giảm 800 đồng mỗi kg, chỉ còn 5.200 đồng. Giá xuống thấp và nông dân cũng rất khó bán.
Ông Trần Văn Năm ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ cho biết, vừa thu hoạch 3 ha lúa chất lượng cao được khoảng 20 tấn. Hai tháng trước khi thu hoạch, lái đến nhà ông xem lúa và đã đặt cọc 9 triệu đồng, thỏa thuận mua với giá 6.000 đồng mỗi kg. Tuy nhiên, từ khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, giá lúa chững lại, bắt đầu giảm liên tục.
"Cách nay một tuần, tôi thu hoạch lúa, lái nói phải giảm giá còn mức 5.300 đồng mỗi kg mới mua chứ không sẽ chấp nhận bỏ cọc. Tôi chần chừ một ngày rồi quyết định bán, bởi không có kho trữ, lò sấy, lúa sẽ hư hỏng. Lúc này giá lúa sụt còn 5.100 đồng mỗi kg", ông Năm nói và cho biết mình là mối quen, lái mới mua, nhiều hộ khác thu hoạch xong thì lái bỏ cọc.
Thừa nhận thực trạng này, nhiều thương lái cho rằng, thà chấp nhận bỏ cọc sẽ đỡ thiệt hại hơn so với mua lúa của nông dân như đã cam kết. "Các năm trước, vụ lúa hè thu này, tôi thu mua 50.000-60.000 tấn lúa của nông dân ở Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang nhưng nay chỉ mua khoảng 5.000 tấn", ông Nguyễn Văn Kiên, một lái lúa lớn ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ nói và cho biết khó khăn lớn nhất là khâu vận chuyển, lưu thông bị ách tắc.
Thương lái này cho biết, đội ngũ nhân công thu mua, vận chuyển của ông hơn 100 người với gần 30 máy gặt đập liên hợp, 20 ghe, sà lan hoạt động khắp các tỉnh nam sông Hậu nhưng nay nằm nhà gần hết. Người vác lúa, chạy máy gặt, lái ghe, sà lan đều phải có giấy xét nghiệm Covid-19, hiệu lực chỉ 3 ngày và chỉ hoạt động trong phạm vi một huyện. Trong khi lúa mua từ đồng này sang đồng khác, tỉnh này sang tỉnh khác, có chuyến đi 1-2 tuần mới về nên rất khó.
"Các thủ tục này mất nhiều thời gian nhưng thời hạn ngắn, phát sinh nhiều chi phí khiến các doanh nghiệp thu mua lúa gạo đa số ngưng hoạt động, số còn lại giảm mạnh công suất, hoạt động cầm chừng nên mức tiêu thụ lúa thấp... giá giảm liên tục", ông Kiên nói và cho biết vì nguy cơ thua lỗ nặng và ngại dịch bệnh nên nhiều thương lái chấp nhận bỏ cọc.
Xe cộ lúa trên đồng tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Ảnh: Cửu Long.
Ông Nguyễn Tuấn, Chủ nhà máy xay xát, lau bóng gạo ở huyện Thới Lai cũng phản ánh, trước đây bình quân mỗi tháng nhà máy của ông chạy khoảng 6.000 tấn lúa, nay cả tháng chưa tới 500 tấn. Nguyên nhân là thương lái thu mua vắng bóng nên lượng lúa mang đến nhà máy ít...
Trong khi đó, các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu gạo cũng đang gặp khó trong khâu vận chuyển, cung ứng hàng hóa. Hiệp hội lương thực Việt Nam cho biết có 120 doanh nghiệp thành viên với 90 thương nhân, từ khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 và sản xuất theo phương án "3 tại chỗ", có khoảng 50% trong số này tạm ngưng hoạt động, số còn lại giảm 50% công suất.
Chưa kể, việc xuất nhập khẩu hiện cũng gặp khó khi Tân Cảng Sài Gòn là cảng container chính ngưng nhận giao gạo xuất khẩu từ tháng 7 và chưa rõ khi nào có thể tiếp tục. Trong khi đó, cảng Cát Lái, lượng container ứ đọng khá lớn cũng ảnh hưởng đến việc giao nhận hàng...
"Có thể nói từ khi thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh, thành phía Nam đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng chuỗi cung ứng lúa gạo trong nước lẫn xuất khẩu", lãnh đạo Hiệp hội lương thực Việt Nam nói và cho biết, hiện nhu cầu thị trường vẫn có nhưng tình hình dịch bệnh phức tạp nên các doanh nghiệp không mạnh dạng ký hợp đồng xuất khẩu.
Để giải quyết các vấn đề này, Hiệp hội lương thực Việt Nam cho biết đã gửi văn bản đốc thúc các đơn vị thành viên tăng cường thu mua lúa đầu vào. Đồng thời, hội kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, phối hợp với các Bộ ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thương nhân hoạt động trong lĩnh vực lúa, gạo nói chung và thương lái được đi lại thu mua trực tiếp tại đồng, vận chuyển kịp thời lúa tươi về nhà máy sấy để đảm bảo chất lượng lúa, gạo tồn trữ đạt yêu cầu.
Đặc biệt, Hiệp hội kiến nghị xem xét ưu tiên phân luồng xanh (xét nghiệm nhanh tại chốt) cho các xe vận chuyển lúa tươi từ cánh đồng về nhà máy sấy, chở gạo từ nhà máy ra các cảng xuất khẩu và khu vực tiêu thụ nội địa đang có nhu cầu. Ngoài ra, nên cho phép các thương nhân thực hiện xét nghiệm Covid-19 theo hình thức mẫu gộp đối với từng bộ phận nhân viên làm việc trong nhà máy. Hoặc nếu áp dụng phương thức "3 tại chỗ" thì chỉ áp dụng xét nghiệm Covid-19 đầu vào, sau đó giao cho thương nhân có kế hoạch tự quản lý nhân viên và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đồng thời, cơ quan chức năng nên ưu tiên tiêm vaccine cho những thành phần lao động bắt buộc phải tham gia trực tiếp trên hiện trường – trong chuỗi cung ứng lúa gạo và lương thực như tài xế, tài công, người đi thu mua, các nhân viên nhà máy, xuất nhập khẩu, điều phối hiện trường.
Hội cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các nhà băng cho thương nhân xuất khẩu gạo vay thêm một phần tín chấp để thu mua dự trữ lúa gạo vụ hè thu. Đồng thời, ngân hàng giảm lãi suất cho vay, kéo dài thời hạn cho vay lên 9 tháng hoặc một năm để thương nhân có đủ thời gian quay vòng vốn hoàn nợ...
Đối với các địa phương, Hiệp hội lương thực Việt Nam đề nghị ngành nông nghiệp khẩn trương xây dựng và áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân trong việc tiêu thụ lúa gạo hàng hóa vụ hè thu giữa thời điểm dịch bệnh.
Cửu LongTrở lại Kinh doanhTrở lại Kinh doanhChia sẻ ×
Nguồn vnexpress.net