Nhập khẩu của Trung Quốc tháng 5 tăng với tốc độ nhanh nhất thập kỷ qua, nhờ nhu cầu nguyên liệu thô mạnh mẽ.
Kim ngạch nhập khẩu của nước này tháng qua đã tăng 51,1% so với cùng kỳ 2020, mức cao nhất kể từ tháng 1/2011, nhưng thấp hơn dự báo trước đó của Reuters là 51,5%. Giá trị nhập khẩu tăng một phần do giá nguyên liệu thô như than, thép, quặng sắt và đồng leo thang do nhu cầu ở nhiều nền kinh tế cải thiện sau đại dịch và thanh khoản toàn cầu dồi dào.
Julian Evans-Pritchard, Nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Capital Economics, cho rằng trong khi kim ngạch nhập khẩu tăng cao, khối lượng có thể giảm. "Những hạn chế về nguồn cung là một phần nguyên nhân. Các lô hàng bán dẫn, kim loại công nghiệp đang giảm", ông nói.
Container tại cảng nước sâu Dương Sơn ở Thượng Hải ngày 19/10/2020. Ảnh: Reuters.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu của Trung Quốc tháng 5 tăng 27,9%, chậm hơn mức tăng 32,3% của tháng 4 và thấp hơn dự báo 32,1% của các nhà phân tích. "Chúng tôi hơi ngạc nhiên khi xuất khẩu giảm tốc, có thể do Covid-19 ở Quảng Đông đã làm giảm kim ngạch ở các cảng Thâm Quyến và Quảng Châu", Zhiwei Zhang, Nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, nhận định.
Các công ty vận tải biển lớn cảnh báo về tình trạng tắc nghẽn ngày càng tồi tệ tại cảng Yantian (Thâm Quyến) sau khi phát hiện một số ca dương tính của nhân viên cảng. Tại Quảng Đông, các nhà máy vẫn chưa thông báo cắt giảm công suất diện rộng nhưng thừa nhận về áp lực đáp ứng nhu cầu từ nước ngoài.
Chen Linsheng, CEO Anlan, một nhà sản xuất thiết bị chăm sóc da và làm đẹp có tại Thâm Quyến, nói nhân viên hiện phải thực hiện loạt loạt xét nghiệm Covid-19 và nếu không có kết quả âm tính thì không được phép đi làm.
"Chúng tôi không được phép ra ngoài thành phố. Chúng tôi cần phải báo cáo trước và thậm chí không thể tự mình đến Quảng Châu hoặc Phật Sơn", Chen nói và cho biết nhiều cuộc họp đã quay lại môi trường trực tuyến.
Iris Pang, Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc đại lục tại ING, cho biết bên cạnh tác động của bùng dịch ở ở Quảng Đông, tình trạng thiếu chip toàn cầu đã bắt đầu ảnh hưởng đến tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Ví dụ, các sản phẩm ôtô và phụ tùng - mặt hàng xuất khẩu lớn nhất - đã giảm 4% so với một năm trước đó.
Tăng trưởng trung bình hai năm cho xuất khẩu giảm xuống 23,4% trong tháng 5, từ mức 36,3% trong tháng 4, cho thấy đà xuất khẩu yếu hơn khi các nền kinh tế phát triển mở cửa trở lại, làm giảm nhu cầu đối với thiết bị bảo hộ cá nhân và sản phẩm làm việc tại nhà của Trung Quốc, theo các nhà phân tích tại Nomura.
Nước này công bố thặng dư thương mại 45,53 tỷ USD trong tháng 5, lớn hơn mức thặng dư 42,86 tỷ USD trong tháng 4, nhưng thấp hơn mức 50,5 tỷ USD dự kiến. Chính quyền Biden đang tiến hành xem xét chính sách thương mại Mỹ - Trung, trước khi thỏa thuận giai đoạn một thời Trump hết hạn vào cuối năm 2021.
Kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng 1, Trung Quốc đã tăng cường kết nối các lãnh đạo kinh tế và thương mại của Mỹ. Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã nói chuyện với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vào tuần trước, vài ngày sau cuộc hội đàm với Giám đốc Thương mại Mỹ Katherine Tai.
Phiên An (theo Reuters)Trở lại Kinh doanhTrở lại Kinh doanhChia sẻ ×
Nguồn vnexpress.net