Chủ tịch Tập Cận Bình hôm nay dự kiến khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới ảo cùng các nhà hoạch định chính sách châu Âu, trong khi Tổng thống Mỹ Biden vắng mặt.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2021 (WEF) có chủ đề "Một năm quan trọng để xây dựng lại niềm tin". Ngoài Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Ấn Độ và Nhật Bản cũng tham gia.
Phía châu Âu có Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, người đứng đầu cơ quan điều hành Liên minh châu Âu (EU).
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2017 tại Davos, Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Joe Biden không tham gia nhưng cử John Kerry, đặc phái viên về khí hậu, sau khi Biden đưa Washington trở lại Hiệp định Khí hậu Paris.
WEF 2020 diễn ra vào tháng 1 năm ngoái tại Davos, Thụy Sĩ. Diễn đàn khởi đầu bằng nỗi lo lắng của các nhà lãnh đạo toàn cầu trước đại dịch bùng phát ở Trung Quốc một tháng trước đó.
Một năm trôi qua, Covid-19 vẫn không ngừng khiến số người chết gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều nền kinh tế và tước đi việc làm của hàng triệu triệu người.
Sự lạc quan ban đầu về việc triển khai vaccine nhanh chóng nhằm chấm dứt đại dịch đã suy giảm, khi thế giới đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất và phân phối vaccine, cũng như biến chủng nCoV mới.
Nhưng Trung Quốc và các quốc gia châu Á năm 2021 đang hồi phục đầy mạnh mẽ sau khi bị Covid-19 tấn công đầu tiên. Sau phiên họp ảo đầu tiên, WEF sẽ chuyển tới Singapore vào tháng 5 nhằm đảo bảo sức khỏe và an toàn, bởi Singapore chỉ ghi nhận 29 ca tử vong do Covid-19.
Euler Hermes, tập đoàn bảo hiểm tín dụng của Pháp, trong một nghiên cứu công bố tháng này đã viết rằng "trọng tâm kinh tế thế giới" dịch chuyển sang châu Á từ 2002.
Kinh tế Trung Quốc năm 2020 tăng trưởng 2,3%, trong khi các nền kinh tế lớn khác sụt giảm.q uy mô kinh tế Trung Quốc dự kiến bằng Mỹ năm 2030, sớm hơn hai năm so với dự đoán của giới phân tích trước đại dịch.
"Cuộc khủng hoảng Covid-19 có thể đẩy nhanh sự chuyển dịch cán cân toàn cầu sang châu Á", Euler Hermes dự đoán.
Lần gần nhất ông Tập phát biểu tại Davos là năm 2017, đã tuyên bố Trung Quốc là vùng đất của tự do thương mại, khiến những người tham gia Davos vui mừng bởi từng lo lắng các động thái bảo hộ thương mại mới của Trump, tân tổng thống mới Mỹ khi đó.
Các chủ đề khác trong chương trình WEF năm nay là "Chủ nghĩa tư bản toàn chủ thể: Xây dựng tương lai", "Thúc đẩy hợp đồng xã hội mới" và "Tái thiết lập tiêu dùng cho một tương lai bền vững".
Hồng Hạnh (Theo AFP)Trở lại Thế giớiTrở lại Thế giớiChia sẻ ×
Nguồn vnexpress.net