Tại cuộc họp báo, tình hình Covid-19 với những diễn biến phức tạp được quan tâm đặc biệt. Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) dẫn lại các giải pháp hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trong năm 2020.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01 về giãn nợ, khoanh nợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn, thiệt hại do Covid-19.
Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT (ảnh: Quốc Chính).
Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03 sửa đổi một số điều của Thông tư 01 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Về lĩnh vực tài chính, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ để ban hành Nghị định 52, tiếp tục gia hạn tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế đất... sẽ tiếp tục áp dụng trong năm 2021.
Tại họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cùng ngày và các chỉ đạo của Thủ tướng.
Cụ thể, Chính phủ đã xem xét, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021. Chính phủ thống nhất nhận định, trong 4 tháng đầu năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển tốt, xu hướng phục hồi tích cực và đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt - thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay; xuất khẩu, thu hút đầu tư, thu ngân sách đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp, khó lường, khó đoán của dịch Covid-19 tác động đến toàn bộ các hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước.
Cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra tối 5/5 (ảnh: Đoàn Bắc).
"Chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tài khóa có những kết quả tích cực song nhiều chỉ số chúng ta còn chưa yên tâm; nhiều tồn đọng kéo dài chưa được giải quyết; còn có sự mâu thuẫn, xung đột, chồng chéo về thể chế làm cản trở các hoạt động sản xuất kinh doanh, đây là những vấn đề phải tập trung giải quyết; tình hình đầu tư công có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm…" - ông Sơn nói.
Người phát ngôn Chính phủ cũng dẫn lại phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính về nhiều lo lắng và đề nghị các thành viên Chính phủ nhận thức rõ vấn đề này. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, mỗi bộ, mỗi ngành, địa phương phải chủ động, tích cực xử lý những vấn đề còn hạn chế, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ trong tháng 5 và thời gian tới.
"Thủ tướng yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt hơn, phù hợp hơn với thực tế để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và các cân đối lớn của nền kinh tế. Tích cực tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp" - Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho hay.
Ngoài ra, Thủ tướng chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả, xử lý sớm 12 dự án yếu kém, thua lỗ. Các bộ, ngành, địa phương bằng các giải pháp cụ thể và với tinh thần trách nhiệm của mình quan tâm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, không để tồn đọng; giải ngân bảo đảm tiến độ nhưng phải bảo đảm chất lượng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí...
Nguồn dantri.com.vn