TTO - Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Trao hỗ trợ đợt 3 cho người khó khăn ở phường 9 (quận Phú Nhuận, TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.
Theo báo cáo, cử tri đánh giá nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch COVID-19 thiếu tính khả thi, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Sau khi "nới lỏng" các biện pháp giãn cách xã hội, một lượng lớn người dân từ TP.HCM và các tỉnh có dịch trở về quê tự phát, tiềm ẩn rủi ro và lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, các địa phương có giải pháp kịp thời lưu thông hàng hóa, vận chuyển vật tư, thiết bị; có các chính sách hỗ trợ về thuế, giảm các khoản phí, lệ phí, tiền thuê đất; giãn, khoanh nợ, giảm lãi suất ngân hàng; có chính sách hỗ trợ duy trì lực lượng lao động... để doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất.
Về các vấn đề xã hội, cử tri phản ảnh còn nhiều người khó khăn, nhất là nông dân chưa được nhận các gói hỗ trợ an sinh xã hội. Vẫn còn tình trạng trục lợi trong thực hiện an sinh xã hội, gây khó khăn, bức xúc cho người dân. "Cử tri cũng lo lắng về chất lượng, hiệu quả của việc dạy và học trực tuyến, nhất là đối với học sinh bậc tiểu học" - báo cáo nêu.
Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, địa phương sớm cụ thể hóa kết luận của Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 về công tác phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, giải quyết căn cơ, lâu dài chiến lược vắc xin, nhất là vắc xin tiêm cho người dưới 18 tuổi. Quan tâm giải quyết thấu đáo các vấn đề an sinh xã hội, lao động, việc làm, đời sống của nhân dân. Nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em mồ côi, hỗ trợ người yếu thế. Đưa trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm vào danh mục hàng hóa Nhà nước quản lý bình ổn giá.
Kịp thời ban hành chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế, sớm quyết định các gói tài chính hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển kinh tế, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm.
Có chính sách đảm bảo nguồn lao động cho các doanh nghiệp, từng bước giải quyết nhà ở xã hội cho công nhân gắn với các khu công nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hạn chế các doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Tiếp tục có các giải pháp phù hợp để kiểm soát lạm phát, bảo đảm cho nền kinh tế sớm phục hồi, phát triển.
Doanh nghiệp cần được hồi sức
TTO - Khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, TP sẽ tập trung xây dựng có lộ trình, kịch bản cụ thể nhằm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.
TIẾN LONG
Nguồn tuoitre.vn