TTO - Giá mua bán điện cố định ưu đãi đối với các dự án điện gió (giá FIT) theo quyết định 39 sẽ hết hạn vào ngày 31-10, đến tối 29-10 đã có 42 nhà máy được công nhận vận hành thương mại, tức còn 64 nhà máy tiếp tục chạy đua trong 48 giờ.
Nhiều dự án đã về đích sau quãng thời gian vượt khó xây dựng - Ảnh: NGỌC HIỂN
Lúc 21h36 tối 29-10, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đã có 42 nhà máy điện gió với tổng công suất 2.131,3 MW được công nhận vận hành thương mại (COD) trong số 106 dự án đăng ký hòa lưới điện quốc gia trước 31-10 với tổng công suất 5.655,5 MW.
Điểm qua danh sách 42 nhà máy này, nhiều nhà máy đã vận hành thương mại thành công 100% công suất song vẫn có nhiều nhà máy chỉ mới hòa lưới một phần công suất.
Trong đó, Nhà máy điện gió Ea Nam có công suất đăng ký lớn nhất 400 MW đã hòa lưới gần 300 MW, còn lại phần lớn các dự án đều có công suất dưới 100 MW, phổ biến là những dự án có công suất 50 MW.
Trước đó, có 130 dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN với tổng công suất hơn 7.400 MW, song chỉ có 106 dự án đăng ký vận hành thương mại trước ngày 1-11-2021 để hưởng giá bán điện ưu đãi 8,5 cent/kWh (1.927 đồng) với điện gió trên đất liền và 9,8 cent/kWh (2.223 đồng) với điện gió ngoài khơi theo quyết định 39 (hết hiệu lực sau ngày 31-10).
Như vậy, chỉ còn hơn 48 giờ để các dự án còn lại nỗ lực vận hành thương mại nhằm kịp hưởng giá ưu đãi trong 20 năm, nếu không kịp vận hành trước thời điểm hết hạn chính sách, các dự án sẽ rơi vào thời điểm "trống" chính sách và buộc phải chờ Chính phủ ban hành cách áp dụng giá mới.
EVN cho hay với tinh thần hỗ trợ tối đa các chủ đầu tư nhà máy điện gió, dù ngày 30 và 31-10 là các ngày nghỉ cuối tuần nhưng các đơn vị liên quan của EVN vẫn nỗ lực tối đa và tích cực phối hợp với các nhà máy điện gió đã đăng ký thử nghiệm và đề nghị công nhận vận hành thương mại (COD).
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chủ đầu tư một dự án điện gió cho hay do dịch bệnh, giãn cách xã hội ảnh hưởng đến tiến độ thi công nên nhiều dự án sẽ khó vận hành thương mại toàn bộ dự án đúng tiến độ.
Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Hoàng Tiến Dũng - cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) - cho biết bộ này sẽ không xem xét gia hạn hay kiến nghị Chính phủ gia hạn giá ưu đãi cố định (giá FIT) với các dự án điện gió vận hành sau ngày 31-10.
Theo ông Dũng, đối với các dự án đang xây dựng nhưng bị ảnh hưởng bởi COVID-19, bộ sẽ có cơ chế xử lý chuyển tiếp song không áp dụng giá FIT và các dự án xây dựng sau ngày 31-10 sẽ áp dụng cơ chế đấu thầu.
Hệ thống truyền tải 220kV Lao Bảo - Đông Hà vận hành, điện gió được 'tiếp sức'
TTO - Trạm biến áp 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Lao Bảo - Đông Hà được chính thức vận hành. Hàng chục dự án điện gió ở miền tây Quảng Trị như được tiếp sức.
NGỌC HIỂN
Nguồn tuoitre.vn