Hà Nội đã có những ý kiến liên quan tới kiến nghị của Liên doanh Sumitomo (Nhật Bản) và Tập đoàn BRG, đại diện khu đô thị Gamuda, dự án bãi đỗ xe, TTTM Aeon Hoàng Mai...
Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra sáng 19/10.
Kiến nghị liên quan các đại dự án
Tại hội nghị, doanh nghiệp đã kiến nghị TP Hà Nội hỗ trợ về thủ tục để đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh các quy hoạch phân khu liên quan, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để các dự án sớm hoàn thiện việc chuẩn bị đầu tư và triển khai.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đề xuất mong muốn được gia hạn thuê đất cho các khách sạn, hoãn trả thuế đất trên cơ sở quy mô đất cũng như mục đích sử dụng đất, xem xét giảm lãi suất cho các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, miễn bảo hiểm xã hội cho chuyên gia nước ngoài.
Giải đáp kiến nghị của các doanh nghiệp nước ngoài, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết, đối với những kiến nghị của Liên doanh Sumitomo (Nhật Bản) và Tập đoàn BRG, chiều ngày 19/10, Bí thư Thành ủy sẽ chủ trì làm việc với Liên doanh và các sở, ngành Thành phố để tháo gỡ.
Riêng đối với Khu đô thị Gamuda (quận Hoàng Mai), ông Trúc Anh chia sẻ, Thành phố đã giao Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội điều chỉnh, phấn đấu hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Sở Quy hoạch Kiến trúc đã xây dựng quy trình ISO, trong 20 ngày, phải trả lời doanh nghiệp các vấn đề liên quan đến Quy hoạch Kiến trúc. Thông tin thêm về khu đô thị Gamuda vướng khoảng 1.500m2 do liên quan đến nguồn gốc đất đai, quận Hoàng Mai sẽ phấn đấu hoàn thành trong tháng 11 năm nay.
Nhiều đề xuất liên quan tới giải phóng mặt bằng (Ảnh: Linh Phạm).
Liên quan đến nội dung kiến nghị của Công ty TNHH Phát triển T.H.T, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Bùi Duy Cường cho biết, TP Hà Nội đã giao 129/186 ha của dự án. Còn 57 ha, Sở đã tham mưu Thành phố tháo gỡ tối đa chính sách giải phóng mặt bằng, đồng thời, tiếp tục phối hợp với các quận để đẩy nhanh tiến độ, bàn giao đất cho công ty.
Cũng tại hội nghị, ông Nakagawa Tetsuyuki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam, cho biết, tiến độ tổng thể Dự án Bãi đỗ xe, Trung tâm thương mại Aeon Mall Hoàng Mai đang bị chậm 2 năm so với tiến độ yêu cầu. Phía Aeon Mall mong muốn được TP Hà Nội hỗ trợ hoàn thiện giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 17 hộ dân còn lại để tiến hành sớm công tác GPMB.
Ngoài ra, doanh nghiệp đề xuất thành phố hoàn thiện cấp chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và thủ tục thuê đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để sớm khởi công dự án đúng tiến độ.
Đối với kiến nghị này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Bùi Duy Cường cho biết, đến nay, cơ bản dự án Bãi đỗ xe; Trung tâm thương mại Aeon Mall Hoàng Mai cơ bản đã xong phần GPMB. Riêng 17 hộ gia đình chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm căn cứ chuyển nhượng, Sở đã phối hợp với UBND quận Hoàng Mai đang làm thủ tục để cấp giấy chứng nhận. Dự kiến hoàn thành trong tháng 11 làm cơ sở để bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.
Lãnh đạo TP Hà Nội gặp gỡ doanh nghiệp (Ảnh: Linh Phạm).
Hà Nội thu hút đầu tư
Để thu hút hơn các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, đại diện trường Đại học Anh Quốc tại Việt Nam cho rằng, cần có sự linh hoạt trong việc cấp phép cho giáo viên nước ngoài để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các cơ sở đào tạo có yếu tố nước ngoài.
Đồng thời, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) kiến nghị rà soát, loại bỏ các thủ tục không cần thiết, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiết kiệm thời gian trong quá trình triển khai các dự án tại Hà Nội. Hiện, thủ tục nhập cảnh cho nhà đầu tư, chuyên gia hiện nay còn khó khăn, kể cả với người nước ngoài đã ở Việt Nam có đầy đủ giấy tờ. Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) kiến nghị trong trường hợp phát sinh ca nhiễm F0 tại nhà máy thì cố gắng khoanh vùng cho dừng dây chuyền sản xuất trong phạm vi cần thiết tối thiểu.
Tại hội nghị, Bí thư thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, tính đến nay, TP đã thu hút được 6.625 dự án đầu tư nước ngoài đang còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký vào khoảng 48,7 tỷ USD.
Cũng theo ông Dũng, 9 tháng đầu năm nay, dù chịu nhiều tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đầu tư vào Hà Nội với số vốn đăng ký là 1,28 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế xã hội chung của TP Hà Nội, với khoảng 10% tổng thu ngân sách của thành phố, 12,6% vốn đầu tư phát triển, 30% tổng việc làm và 45% tổng kim ngạch xuất nhập của cả TP Hà Nội.
Nguồn dantri.com.vn