TTO - Chiều 30-9, nhà xưởng chuyên sản xuất khuôn mẫu xuất sang Mỹ của Công ty TNHH Lập Phúc (quận 7, TP.HCM) vẫn rộn ràng tiếng máy hoạt động và cho ra lò các sản phẩm đòi hỏi độ chính xác cao.
Tốn thêm chi phí chống dịch nhưng đổi lại Công ty TNHH Lập Phúc (Q.7, TP.HCM) vẫn có hàng giao cho khách - Ảnh: Q.ĐỊNH
81 ngày qua, giám đốc Nguyễn Văn Trí cùng 130 nhân sự của công ty đã cùng nhau sát cánh theo mô hình "3 tại chỗ".
Theo ông Trí, điều mừng nhất đối với doanh nghiệp này là 100% người lao động "3 tại chỗ" đều không có ai nhiễm COVID-19, đơn hàng vẫn được duy trì và xuất khẩu không bị gián đoạn.
"Bên Mỹ không nghỉ nên vẫn cần hàng, mình vẫn phải sản xuất theo tiến độ đơn hàng, đầu ra đảm bảo, nguyên liệu đầu vào cũng ổn định và công ty cũng đã tích trữ sẵn nên không bị đứt đoạn ngày nào" - ông Trí nói.
Tương tự, gần 3 tháng qua, nhà xưởng của công ty chuyên sản xuất thiết bị điện Cát Vạn Lợi nằm ở Khu công nghiệp Cơ khí ôtô TP.HCM (huyện Củ Chi) vẫn sáng đèn mỗi ngày, công nhân vẫn sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ".
Nhờ vậy, các đơn hàng xuất khẩu và cung cấp thiết bị cho các công trình lớn trong nước như Nhà máy lọc hóa dầu Long Sơn, dự án metro TP.HCM đúng tiến độ.
Theo ông Lê Mai Hữu Lâm, tổng giám đốc công ty, sản xuất "3 tại chỗ" khiến chi phí tăng lên nhưng công ty vẫn duy trì để đảm bảo đơn hàng.
"Dù chi phí sản xuất tăng, nhiều khó khăn và rủi ro nhưng vẫn phải bằng mọi cách để hoạt động nhằm đảm bảo tiến độ giao hàng" - ông Lâm nói.
Bà Phạm Thị Châu - trưởng phòng hành chính nhân sự Công ty TNHH VEXOS Việt Nam - cho hay nhờ duy trì sản xuất mà sản lượng xuất nhập khẩu của doanh nghiệp vẫn tương đương các tháng trước dịch.
"Doanh nghiệp rất nỗ lực để duy trì sản xuất nhưng cũng chỉ đạt được khoảng 70% doanh số so với dự kiến do không thể phát triển thêm khách hàng mới như kỳ vọng vì ảnh hưởng của dịch bệnh" -bà Châu nói.
Theo ông Nguyễn Văn Bé - chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM, các khu chế xuất và khu công nghiệp trên địa bàn đang có gần 700/1.500 doanh nghiệp vẫn hoạt động theo các phương án "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến".
Số lượng công nhân duy trì khoảng 70.000 người, chiếm 1/4 số lượng công nhân tại thời điểm trước dịch. Nhờ đó nhiều doanh nghiệp vẫn giữ được đơn hàng, đảm bảo được các chỉ tiêu xuất khẩu. Tuy nhiên, cần phải tạo mọi điều kiện, cơ chế để ưu tiên cho các doanh nghiệp sớm tái hoạt động và sản xuất một cách an toàn.
Long An sẽ thí điểm 'xưởng điều trị COVID-19 dã chiến' tại các khu, cụm công nghiệp
TTO - Để tháo gỡ một trong những lo ngại lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là việc xử lý khi phát hiện F0, bí thư Tỉnh ủy Long An cho biết đang tính toán thí điểm mô hình 'xưởng điều trị COVID-19' trong các khu, cụm công nghiệp.
NGỌC HIỂN
Nguồn tuoitre.vn