TTO - Masan công bố công ty con The CrownX được 'gã khổng lồ' Alibaba rót vốn, các tỉ phú đang toan tính gì trong thương vụ này?
Người dân mua hàng tại hệ thống siêu thị VinMart - Ảnh: T.N.
Cách đây hơn 1 tuần, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan tăng trần sau tin đồn "gã khổng lồ" Alibaba rót vốn vào The CrownX - công ty con của Masan.Hôm 18-5, tin đồn về việc rót vốn đã trở thành sự thật. Cụ thể, Masan và nhóm nhà đầu tư, trong đó có Alibaba và Baring Private Equity Asia (BPEA) công bố ký kết thỏa thuận mua cổ phần phát hành mới của The CrownX với tổng giá trị tiền mặt 400 triệu USD, tương đương 5,5% tỉ lệ sở hữu sau phát hành.Với thỏa thuận trên, The CrownX được định giá 6,9 tỉ USD (trước phát hành) cho 100% vốn chủ sở hữu, trị giá mỗi cổ phần nằm mức 93,5 USD (khoảng 2,15 triệu đồng). Phát hành thành công, tỉ lệ sở hữu của Masan tại The CrownX đạt 80,2%.The CrownX được thành lập vào giữa năm 2020, sau khi thương vụ đình đám Tập đoàn Vingroup chuyển giao VinCommerce - đơn vị vận hành hệ thống siêu thị VinMart, VinMart+, VinEco - sang cho Masan. Trong khi phía nhà đầu tư ngoại rót vốn vào "chiếc vương miện", thì Tập đoàn Vingroup lại muốn rút hết vốn liếng khỏi đây.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán riêng công ty mẹ năm 2020, Vingroup cho biết đã chuyển nhượng hơn 2 triệu quyền chọn nhận cổ phần cho một số đối tác.
Sau đó, tập đoàn này tiếp tục thực hiện chuyển đổi toàn bộ quyền chọn nhận cổ phần còn lại sang cổ phần trong The CrownX, đồng thời chuyển đổi 4,8 triệu cổ phần của công ty này cho một đối tác doanh nghiệp khác (Masan).
Đến ngày cuối năm 2020, giá gốc của số cổ phần còn lại do Vingroup nắm tại The CrownX nằm mức trên 5.538 tỉ đồng.
Báo cáo tài chính cũng tiết lộ ngày 31-12-2020, Vingroup đang trong quá trình xác định giá trị hợp lý của khoản đầu tư trên.
Nếu thương vụ chuyển nhượng thành công, tập đoàn của tỉ phú Phạm Nhật Vượng sẽ chính thức rút hoàn toàn khỏi The CrownX, không còn dính dáng về quyền lợi liên quan đến chuỗi siêu thị VinMart, cửa hàng tiện lợi VinMart+.Masan đặt mục tiêu tổng giá trị hàng hóa từ kênh online của The CrownX chiếm ít nhất 5% tổng doanh số bán hàng của công ty trong thời gian tới.Masan ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất quý 1-2021 đạt 19.977 tỉ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Kỳ này tập đoàn lãi trước thuế 343 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 216 tỉ đồng.Theo báo cáo tài chính quý 1-2021, siêu thị mini VinMart+ đạt doanh thu thuần 4.563 tỉ đồng, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Masan giải thích nguyên nhân do đóng cửa cửa hàng. Các cửa hàng mở trước năm 2020 đóng góp 96,0% tổng doanh thu của hệ thống VinMart+ trong quý 1 vừa qua.
The CrownX đạt EBITDA (lợi nhuận hoạt động) khoảng 1.216 tỉ đồng, xấp xỉ gấp đôi so với mức 614 tỉ đồng vào quý 1 năm ngoái.
Hơn một năm sau khi được chuyển nhượng về Masan, chuỗi VinMart và VinMart+ sẽ được đổi tên bằng cách thay chữ cái đầu V thành W, màu sắc và nhận diện thương hiệu được cho sẽ giữ nguyên.
Sau khi dừng đầu tư Vinmart và Vinmart+ không lâu, Vingroup cũng chính thức ra mắt VinShop - cải tiến toàn bộ chuỗi cung ứng hàng hóa truyền thống từ nhà sản xuất tới chủ tiệm tạp hóa.
Ủy ban Chứng khoán nhà nước chấp thuận cho Masan tăng tỉ lệ sở hữu nước ngoài tối đa lên 100% vốn điều lệ vào ngày 17-5 vừa qua.
Theo báo cáo thường niên, tại ngày cuối năm 2020 Masan có 7.787 cổ đông trong nước nắm giữ hơn 780,1 triệu cổ phần (66,41%) và 1.035 cổ đông nước ngoài nắm giữ hơn 394,5 triệu cổ phần (33,59%).
SK Investment Vina I Pte (Hàn Quốc) là cổ đông ngoại lớn nhất khi nắm 109,9 triệu cổ phần, tương ứng 9,35% và Ardolis Investment (Quỹ chính phủ Singapore - GIC) nắm 8,93%.
Alibaba và đối tác ‘chi’ 400 triệu USD mua cổ phần công ty con của Masan
TTO - Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia (BPEA) đã đạt được thỏa thuận chi 400 triệu USD mua 5,5% tỉ lệ sở hữu sau phát hành tại The CrownX - một công ty con của Masan.
BÔNG MAI
Nguồn tuoitre.vn