Nữ chủ tịch xinh đẹp bước vào HĐQT Kienlongbank như thế nào?

  • 07/05/2021 09:15:37

Hơn 2 tháng, "ghế" Chủ tịch HĐQT Kienlongbank đổi 2 lần. Chủ tịch HĐQT hiện tại sinh năm 1985, là Tổng giám đốc Sunshine Group.

Hơn 2 tháng, "ghế" Chủ tịch HĐQT Kienlongbank đổi 2 lần. Chủ tịch HĐQT hiện tại sinh năm 1985, là Tổng giám đốc Sunshine Group.

Câu chuyện về "mối lương duyên" giữa Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) và Sunshine Group đã râm ran trên thị trường từ cuối năm 2020. Tin đồn đã trở thành sự thật khi mới đây bà Trần Thị Thu Hằng - Tổng giám đốc Sunshine Group - vừa được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Kienlongbank.

Để làm được điều này, Sunshine Group đã mua vào cổ phiếu KLB qua hình thức giao dịch thỏa thuận.

Nữ chủ tịch xinh đẹp bước vào HĐQT Kienlongbank như thế nào?

Bà Trần Thị Thu Hằng - Tổng giám đốc Sunshine Group - vừa được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Kienlongbank (Ảnh: SSG).

Giao dịch thỏa thuận chiếm 40% vốn Kienlongbank

Trước đây, KLB của Kienlongbank được cho là chưa bao giờ hấp dẫn khi thường xuyên nằm trong top cổ phiếu ngân hàng có thị giá thấp nhất. Nhưng tới tháng 11/2020, KLB bỗng trở thành tâm điểm của ngành tài chính khi mà giao dịch thỏa thuận cổ phiếu này trên thị trường bỗng dưng tăng đột biến.

Cụ thể, trong các phiên giao dịch từ ngày 29/10 đến 20/11/2020, thị trường ghi nhận hơn 128 triệu cổ phiếu KLB được giao dịch thỏa thuận. Số cổ phiếu trao tay thành công này tương đương 40% lượng cổ phiếu đang lưu hành của KLB.

128 triệu cổ phiếu KLB nói trên được giao dịch trong khoảng giá từ 12.000 đồng đến 12.600 đồng/cổ phiếu. Trong các phiên cuối tháng 11/2020, giá được đẩy lên 13.200 đồng/cổ phiếu. Giá trị giao dịch tối thiểu là 1.536 tỷ đồng, tối đa là 1.613 tỷ đồng.

Trong khoảng thời gian "lịch sử" này của Kienlongbank, khối lượng giao dịch khớp lệnh của KLB rất khiêm tốn, chỉ dao động từ 1.219 đơn vị tới 102.891 đơn vị. Trong khi đó, qua giao dịch thỏa thuận, trong 17 phiên, có tới 128 triệu cổ phiếu KLB được chuyển nhượng. Nghĩa là khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên lên tới hơn 7,5 triệu đơn vị.

Không rõ Sunshine Group có phải là chủ nhân của toàn bộ 128 triệu cổ phiếu KLB nói trên hay không nhưng tới tháng 1/2021, bà Trần Thị Thu Hằng được ghi nhận sở hữu 15,3 triệu cổ phiếu KLB, chiếm 4,75% vốn điều lệ Kienlongbank.

Sau khi thương vụ "khủng" được thực hiện, giá cổ phiếu KLB tăng mạnh mẽ. Đóng cửa phiên 4/5, KLB dừng ở mức 23.800 đồng/cổ phiếu, tăng 11.200 đồng/cổ phiếu, tương đương 88,8% so với thời điểm Sunshine Group mua vào KLB.

Như vậy, chỉ sau chưa đầy nửa năm bà Hằng nắm giữ KLB, giá trị cổ phiếu KLB thuộc sở hữu của bà Hằng tăng thêm 171 tỷ đồng, còn 128 triệu cổ phiếu kể trên ghi nhận giá trị tăng 1.434 tỷ đồng.

Bà Trần Thị Thu Hằng được bầu làm Thành viên HĐQT Kienlongbank nhiệm kỳ 2018-2022 hồi tháng 1/2021. Trước đó, bà Hằng có hơn 10 năm làm việc tại MB, LienVietPostBank, MSB, sau đó về Sunshine Group vào tháng 3/2019.

Vì sao lại là Kienlongbank?

Trên thị trường, nhiều doanh nghiệp và ngân hàng có mối quan hệ khăng khít, chẳng hạn như MSB - TNR, Techcombank - Vingroup, TH - Bắc Á Bank, TPBank - DOJI... Do đó, trường hợp Kienlongbank - Sunshine Group cũng không có gì gây ngạc nhiên.

Tuy nhiên, câu chuyện mà không ít người tò mò là Kienlongbank có gì hấp dẫn để Sunshine Group đưa "người Sunshine" vào HĐQT ngân hàng.

Trước thời điểm 128 triệu cổ phiếu KLB được giao dịch thành công diễn ra, Kienlongbank có một kỳ kinh doanh đi lùi. Theo báo cáo tài chính quý III/2020 của Kienlongbank, ngân hàng đạt lợi nhuận 33,4 tỷ đồng, giảm 35,5 tỷ đồng, tương đương 51,5% so với quý III/2019. Lũy kế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 116 tỷ đồng, giảm 72 tỷ đồng, tương đương 38,2% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận Kienlongbank sụt giảm bất chấp ngân hàng thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng". Chi phí hoạt động quý III/2020 giảm từ 267 tỷ đồng xuống 237 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm từ 18 tỷ đồng xuống chỉ còn 4,2 tỷ đồng.

Số liệu kinh doanh như vậy song Kienlongbank lại có "của để dành" mang tên STB, cổ phiếu của Sacombank.

Cụ thể, STB là tài sản thế chấp của một nhóm khách hàng tại Kienlongbank. Kienlongbank từng "khốn đốn" với khối tài sản này khi trong quý IV/2019, ngân hàng thua lỗ vì dành quá nhiều vốn để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho khoản thế chấp này.

Nhưng trong năm 2020, cổ phiếu STB có sự bứt phá ngoạn mục. Chào năm 2020, STB giao dịch ở mức 10.200 đồng/cổ phiếu sau đó giảm sâu, rời xa mệnh giá. Nhưng càng về cuối năm 2020, đà phục hồi của STB càng mạnh. Đóng cửa tháng 9/2020, STB dừng ở mức 13.800 đồng/cổ phiếu, tăng 83% so với đáy thiết lập trong ngày 31/3/2020.

Không lâu sau thương vụ khủng "128 triệu cổ phiếu giao dịch thỏa thuận", Kienlongbank đã bán toàn bộ 176 triệu cổ phiếu STB. Nhờ đó, lợi nhuận quý I/2021 của ngân hàng tăng đột biến.

"Của để dành" STB không chỉ giúp Kienlongbank có giá trị hơn nhờ lợi nhuận tăng mạnh mà hơn thế nữa, lợi nhuận tăng giúp ngân hàng có cơ hội cải thiện tăng trưởng tín dụng.

Tại thời điểm cuối quý III/2020, chỉ tiêu cho vay khách hàng tại Kienlongbank chỉ đạt 33.793 tỷ đồng, tăng 0,9%. Tới cuối quý IV/2020, cho vay khách hàng thậm chí còn giảm xuống 34.716 tỷ đồng.

Thế nhưng, chỉ trong quý I/2021 (sau khi Kienlongbank xử lý xong khoản thế chấp bằng cổ phiếu STB và Sunshine bước vào ngân hàng), tăng trưởng tín dụng tại Kienlongbank vọt lên 2,97%.

Nguồn dantri.com.vn

Tin Cùng Mục

Tin Mới Nhất

Nữ chủ tịch xinh đẹp bước vào HĐQT Kienlongbank như thế nào? - Doanh Nhân

  • Tin Mới Nhất
  • Đọc Nhiều